Tình hình dịch Covid

Tình hình dịch Covid
TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?
Phóng viên mảng sức khỏe báo Điện tử Tổ Quốc (http://soha.vn/) gửi tôi 7 câu hỏi liên quan tới thư kiến nghị của các liên minh gửi lãnh đạo nhà nước chiều 17/8/2021. Mỗi câu hỏi, để trả lời rành mạch, xứng với một tiểu luận khoa học, hoặc cấp độ nhẹ hơn, tối thiểu một bài báo truyền thông! Bởi thế, cần thời gian. Tôi mong nhiều chuyên gia của các Liên Minh (và cả bạn đọc quan tâm đã đọc thư kiến nghị) cùng vào cuộc. Bởi đây cũng là câu hỏi chung mà một số phóng viên báo khác đã và sẽ tiếp tục đề cập.
Tôi đã viết thành bài trả lời câu hỏi thứ nhất như dưới đây.
(có khác đôi chút với bài gửi SOHA, đang biên tập duyệt đăng, vì tôi có thực hiện chỉnh sửa vài câu từ và thêm đôi ý để làm rõ thêm vài điểm).
PV : Thưa bác sĩ vào ngày 17/8 ông đã đại diện diện cho nhóm chuyên gia có gửi bản kiến nghị đề xuất về chiếm lược Phòng chống dịch COVID-19. Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh của Việt Nam hiện nay ra sao?
Trả lời:
Tổng thể tình hình dịch bệnh không được đưa thành phần đánh giá cụ thể trong thư kiến nghị chiến lược phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chúng tôi, bởi muốn giữ cho thư tập trung tốt vào 38 khuyến nghị cụ thể theo 8 nhóm mục tiêu hành động, và bởi tình hình dịch bệnh thế nào, chắc chắn chính phủ nắm rõ nhất (Tài liệu tham khảo 1).
Từ góc nhìn của người được đào tạo chuyên về dịch tễ học và sức khỏe dân số, cho câu hỏi về tình hình dịch bệnh hiện nay cá nhân tôi đánh giá ra sao, tôi thể hiện trong 5 ý dưới đây:
– Thứ nhất, dịch đang lưu hành là dạng nội sinh cộng đồng. Ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước hiện nay, tôi đánh giá, trong cộng đồng đều đã có người nhiễm vi rút SARS-COV-2 không có biểu hiện triệu chứng. Vì thế, chiến lược xét nghiệm diện rộng tìm F0 cách li điều trị, truy vết tìm F1, F2 cách ly xét nghiêm theo dõi, không còn phù hợp nữa. Chiến lược đó chỉ phát huy tác dụng tốt với dịch ở dạng “ngoại xâm”, từ bên ngoài xâm nhập vào khi cộng đồng (bên trong) chưa có nguồn lây nhiễm tồn tại. Tôi lưu ý đây là điểm căn bản đầu tiên phải có trong nhận định chiến lược tình hình, làm cơ sở cho xây dựng phương án chống dịch và kiểm soát dịch ở từng địa phương và trên toàn quốc.
– Thứ hai, các số liệu thống kê có được của các tỉnh và Bộ Y tế, từ cả nguồn thống kê theo dõi dịch bệnh xẩy ra hàng ngày trên trang web của Bộ, và nguồn nghiên cứu mà chỉ riêng chính phủ biết (được phản ánh qua chính sách chống dịch đưa ra), cho thấy dịch đang bùng phát kéo dài, mạnh ở tp HCM và lan rộng ra các tỉnh. Tuy nhiên, các số liệu có được chưa giúp tôi nhận định chính xác ba thông số cơ bản dịch tễ học đang cần tìm để đánh giá thực chất diễn biến dịch ra sao nhằm tiên lượng cho thời gian tới. Đó là: (1) chỉ số lây nhiễm R0 (khả năng lây nhiễm của vi rút trong hoàn cảnh hiện nay ở nước ta), (2) tốc độ nhân đôi số người nhiễm theo thời gian, và (3) tỷ lệ đã có miễn dịch trong cộng đồng (đo lường bằng test kháng thể).
Tuy vậy, dựa trên kết quả nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu, nơi có năng lực nghiên cứu dịch tễ học tốt và đáng tin cậy, tôi nhận định: Với dịch ở TP Hồ Chí Minh ở thời điểm này, R0 ước tính đi từ 3-5 (tức một người F0 gây nhiễm cho 3-5 người khác). Thời gian nhân đôi số người nhiễm có trong cộng đồng ở vào khoảng một tuần. Tỷ lệ có miễn dịch (kể cả tự nhiên và được tiêm vaccine đến thời điểm này, vào khoảng 30%).
Với nhận định như thế , tiên lượng chiều hướng dịch cho Tp Hồ Chí Minh tiếp tục còn gia tăng lây lan nhanh trong vài tuần tới! Chúng ta phải gấp rút phổ cập vaccine toàn dân mũi 1, và đủ 2 mũi cho những đối tượng ưu tiên, đặc biệt người già, người có bệnh nền, nhân viên y tế, càng nhanh càng tốt, đồng thời điều chỉnh chiến lược giúp người dân tin tưởng an tâm chăm sóc tại nhà đúng cách (tôi sẽ có bài viết tiếp theo làm rõ vấn đề này), nếu muốn tránh tái diễn hình ảnh hệ thống y tế nước Ý đầu năm 2020 hoặc Ấn độ đầu năm 2021.
Thứ ba, chưa dám nhận định chính xác (dù mức độ chính xác chỉ theo đơn vị tuần) là chiều hướng diễn biến bao giờ dịch lắng xuống ở Tp Hồ Chí Minh. Còn với Tp Hà Nội hoặc các tỉnh khác, có thể nhận định là dịch đang gia tăng và duy trì tối thiểu 2 tháng nữa, nếu chúng ta vẫn tiếp tục phong tỏa chặt và xét nghiệm rộng rãi tìm F0 như hiện nay (tức chưa điều chỉnh cho phù hợp với loại hình “dịch nội sinh”).
Kể cả chúng ta có tăng tốc bao phủ vaccine đạt tới một phần ba dân số trong diện tiêm được nhận đủ 2 mũi, chiều hướng chung cả nước là dịch vẫn sẽ lên đỉnh vào khoảng đầu tháng 10, duy trì mức đó rồi giảm dần vào tháng cuối năm! Đỉnh cao hay thấp phụ thuộc vào thực thi phong tỏa ngặt nghèo đến đâu! Càng ngặt về phong toản, đỉnh dịch càng thấp và bè rộng ra, tức diễn biến càng lâu dài hơn!
Trong 3 thông số cơ bản cho nhận định dịch và tiên lượng tình hình tới đây, tôi lưu ý nhất vào vấn đề phải có kết quả điều tra cộng đồng dùng test kháng thể, để xác định gần hay xa đến đâu so với ngưỡng miễn dịch cộng đồng 70 %. Thông tin này là căn bản để điều chỉnh chiến lược can thiệp trong thời gian tới, giúp nhận định khi nào có thể nhấc phong tỏa diện rộng như hiện nay, và điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine, cả về cường độ triển khai và diện rộng triển khai, cũng như đo lường hiệu lực miễn dịch thực tế mà vaccine đạt được (với từng loại cụ thể để có phương án điều chỉnh kịp thời). Tôi khẩn thiết đề nghị chính phủ tạo chương trình giám sát dịch tễ theo hệ thống điểm sentinel site dùng test kháng thể kết hợp với test kháng nguyên cùng phối hợp với điều tra dịch tễ học các yếu tố nguy cơ tăng nặng dịch hoặc thuận lợi cho hạ thấp tác động bất lợi của dịch. Nếu được có tối thiểu ở 5 điểm: 1 điểm ở Tp Hồ Chí Minh, 1 điểm ở Hà nội, 1 điểm ở khu vực đồng bằng sông Cửu long, 1 điểm ở tỉnh miền trung, 1 ở tỉnh thuộc đồng bằng sông hồng. Hệ thống nghiên cứu này thống nhất chung phương pháp và được lãnh đạo bởi chuyên gia dịch tễ học hàng đầu kết hợp được hai năng lực: (1) Thực sự làm chủ về thiết kế và tổ chức điều tra dịch tễ học cộng đồng, (2) Thực sự làm chủ về phương pháp nghiên cứu implementation research in health (nghiên cứu cải thiện hệ thống y tế hiện hành). Bởi đây là một nghiên cứu đa mục tiêu, làm cơ sở cho hoạch định chính sách chống dịch và phục hồi đời sống kinh tế xã hội! thiết kế chưa chuẩn, chưa đủ kinh nghiệm trong thiêt lập hệ thống kiểm soát sai số trong nghiên cứu cộng đồng và đánh giá hệ thống y tế, sẽ khó có thể cho được thông tin khách quan có ý nghĩa định hướng hành động mong đợi.
– Thứ tư, cá nhân tôi chưa dám nhận định về mức độ ác tính của dịch ở tp HCM hay ở Việt nam nói chung. Mức độ ác tính của bệnh được đo lường bằng các tỷ lệ liên quan tới tử vong, tối thiểu có hai chỉ số: (1) Tỷ lệ tử vong tính trên tổng số trường hơp nhiễm vi rút (Infection Fatality Rate- IFR), và 2) tỷ suất chết vì COVID-19 trên tổng số nhập viện điều trị COVID-19 (Hospital Case Fatility Ratio- HCFR).
Tôi đánh giá, IFR thấp cao tùy từng tỉnh. Ở Tp Hồ Chí Minh (từ thông tin tổng hợp mạng xã hội và trang thông tin Bộ Y tế) có thể cao hơn so với tỷ lệ chung của thế giới, ( Lấy số liệu của Mỹ làm tham khảo- Tỷ lệ khác nhau theo nhóm tuổi: 1/5000 ở nhóm 20-49, tăng lên 1/200 nhóm 50-69, và cao tới 1/18 ở nhóm người già từ 70 tuổi trở lên) (TKTK2), nhưng các tỉnh dao động khác nhau tùy theo năng lực của hệ thống y tế nói chung và hồi sức cấp cứu nói riêng, cũng như việc thực thi tốt đến đâu tiêm chủng đi theo khuyến cáo của khoa học dịch tễ học.
Còn tỷ suất HCFR ở Tp Hồ Chí Minh tôi nhìn nhận có thể tăng cao hơn một chút so với mức chung của thế giới tính cho năm 2020 là 2-3% (TLTK3), bởi phụ thuộc nhiều vào tình trang quá tải xẩy ra đến đâu với khu vực hồi sức cấp cứu, và năng lực của hệ thống y tế cơ sở (hiện chưa phát huy tốt) làm chỗ dựa cho các gia đình phát hiện kịp thời dấu hiệu chuyển suy hô hấp cần đưa đi bệnh viện điều trị. Theo thời gian, thì tình hình chắc chắn được cải thiện hơn vì sẽ có những điều chỉnh được đưa ra (đi theo xu hướng của Mỹ, tỷ suất chết/mắc cuối năm giảm hẳn rõ rêt so với đầu năm- TLTK 4), để thấy rằng, dịch bệnh này bản chất có nặng hơn so với dịch cúm mùa thông thường, nhưng nếu bảo vệ tốt bằng tiêm chủng ở khối người nguy cơ cao, chắc chắn hạ được tỷ lệ tử vong xuống thấp dưới 5% ở nhóm người già có bệnh nền, và tỷ lệ tử vong chung xuống dưới 1% là hiện thực.
– Thứ năm, tôi đánh giá, các biện pháp phòng chống dịch những ngày gần đây đang có thay đổi theo chiều hướng thuận dần theo khuyến cáo của khoa học dịch tễ học, nhưng vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn để xẩy ra chỗ này chỗ kia những biện pháp thực thi không tuân thủ theo khuyến cáo khoa học, khiến vẫn còn thường trực nguy cơ gia tăng lây lan dịch, thậm chí xuất hiện thêm cả các tình huống đưa lại nhiều băn khoăn về chuyên môn. Chẳng hạn, như “Túi thuốc an sinh” cho F0 tuy về tâm lý xã hội là được- nhưng mặt khác, dường như tiếp tục duy trì và thúc đẩy xét nghiệm rộng rãi tìm F0, quá tập trung vào “điều trị F0” khiến xã hội rơi thêm vào nguy cơ lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng trong “điều trị F0” tại nhà (TLTK5)! Hay việc áp dụng dùng kết quả xét nghiệm âm tính, việc phải lấy xác nhận chính quyền địa phương, để xét việc đi lại của người dân…, rất cần chấm dứt càng sớm càng tốt, bởi chính những biện pháp này đã tạo thêm nhiều điểm tập trung đông người không đáng có vi phạm quy định giãn cách xã hội. Hay việc xét nghiệm rộng rãi tìm người nhiễm vào thời điểm này ở Hà nội hoặc một số tỉnh như Tây Ninh (TLTK6), Đồng Nai (TLTK7) , thực sự không tuân thủ theo khuyến cáo khoa học dịch tễ học, hiệu quả rất thấp, tốn kém, mà lại gây tăng nguy cơ phát tán vi rút rộng ra, phải được bãi bỏ càng sớm càng tốt.
Còn nhiều điểm cần nói nữa, mới có thể phản ánh được đủ nhận định về tình hình dịch hiện nay. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa trong các bài tiếp theo đáp ứng với các câu hỏi đặt ra.
Trần Tuấn
20/8/2021
—————
NB. 6 câu hỏi của phóng viên ban Sức khỏe, báo Điện tử Tổ Quốc – SOHA:
1. Thưa bác sĩ vào ngày 17/8 ông đã đại diện diện cho nhóm chuyên gia có gửi bản kiến nghị đề xuất về chiếm lược Phòng chống dịch COVID-19. Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh của Việt Nam hiện nay ra sao?
2. Việc dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng nguyên dân là do biến chủng virus hay còn lý do nào khác thưa chuyên gia?
3. Nhóm chuyên gia đã đưa ra những Chiến lược Phòng chống dịch COVID-19 nào cho phù hợp với tình hình hiện nay của Việt Nam? Xin ông có thể chia sẻ gắn gọn các đề xuất?
4. Việc thực hiện theo những đề xuất của nhóm đưa ra có làm thay đổi được cục dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam ra sao?
5. Để có thể không chế được dịch bệnh chúng ta cần phải thay đổi sớm điều gì đâu tiên?
6. Nhóm có đưa ra đề xuất cần cân nhắc tới việc phát thuốc cho F0, vì sao lại có lưu ý này?
7. Nếu áp dụng theo đề xuất của nhóm, theo ông trong khoảng bao lâu Việt Nam sẽ khống chế thành công được dịch bệnh?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thư kiến nghị của các liên minh y tế và sức khỏe sinh thái gửi 17/8/2021:

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *