Bỗng dưng tôi nhớ
Giữa những vật lộn với công việc thường ngày, giữa những chao đảo niềm tin về cuộc sống, về xã hội hôm nay, lắm khi sự mệt mỏi trong tâm tưởng làm đầu óc con người ta mụ đi, chẳng biết moi đâu ra một chút gì khôn lanh hay là sáng tạo, bỗng dưng tôi nhớ…. Tôi nhớ về một thời thanh niên trai trẻ của mình, không phải nhớ những bâng khuâng của ái tình mà nhớ đến những tháng ngày tươi đẹp, ngày còn được có điều kiện để học hành, ngày còn có đầu óc thanh khiết, nhẹ nhàng để mà mơ với mộng, bỗng dưng tôi nhớ đến nó, nhớ ghê gớm, như một tên điên long mắt sòng sọc nhìn đời hay như Chí Phèo nhớ chai rượu bên lò gạch cũ.
Nguyễn Nhật Ánh cho rằng ước muốn có một chiếc vé đi về tuổi thơ cho thỏa lòng, nhưng tôi thì không đâu, tôi chẳng ham gì tuổi thơ khốn khó của mình đâu, cái tuổi của một cậu bé mồ côi cha được mẹ dắt đi nơi này nơi nọ để chạy loạn vì đang trong thời chiến tranh mà! Cái tuổi mà mẹ sợ con trai mình bị thất học phải gởi nơi bà con này bà con kia để nuôi lấy cái chữ cho con, sợ mai này con thất học phải đi lính, cái tuổi mà sự hy sinh của mẹ đong đầy nước mắt, ngập cả một bầu trời bao la. Tôi không ham trở về tuổi thơ đâu, cho dù tuổi thơ đẹp thật, nhưng muôn ngàn khốn khó và đớn đau, mãi khi đến 13 tuổi thì mới được về ở chung với mẹ và gia đình.
Trong cái bộn bề công việc hôm nay, bỗng dưng tôi nhớ đến cái thời thanh xuân ấy. Sao mà đáng nhớ và sung sướng thế nhỉ. Sau giờ học thì lại được thả hồn với âm nhạc, với văn chương và với sinh hoạt cộng đồng. Chẳng phải khoe đâu nhưng thời ấy vì nhà mình nghèo nên mục tiêu của chúng tôi trong việc học là phải gắng học cho thật giỏi để giành lấy cái học bổng quốc gia toàn phần, giúp chi phí cho gia đình đỡ đi phần nào. Tôi rất cố gắng nên năm nào cũng giành được, vì vậy mà sau giờ học, việc tôi vui chơi không bao giờ bị mẹ tôi cấm đoán, vì mẹ tôi rất tin vào tôi, do đó mà hồi ấy tôi mê nhạc lắm, mê sách lắm, và cũng mê vẽ lắm, mê vẽ đến độ mới lớp 9 mà đã vẽ nguyên bộ truyện tranh dày cộm làm anh tôi mỗi lần về phép phải cấm tôi vẽ, sợ tôi sao nhãng việc học mà sau này phải chịu cảnh đi quân dịch như anh tôi.
Gì chứ về nhạc và đọc sách thì tôi khoái lắm, cứ mỗi lần Duyên Anh Vũ Mộng Long, Dã Hạc hay Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện ra cuốn nào là nhịn ăn sáng, dồn tiền để mua sạch, không đủ thì mượn bạn đọc, cả Lệ Hằng, Mai Thảo, Viên Linh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và lắm khi cũng cố mà đọc cho xong mấy cái triết lý lạ lùng của Phạm Công Thiện hay lối viết ngạo mạn của Chu Tử, tôi chẳng bỏ sót đâu, về thơ thì hết Nguyên Sa, Tô Thùy Yên cho đến Du Tử Lê hở có dịp là đọc và ngẫm nghĩ cùng họ, bay bổng và khóc thương cùng họ, do vậy mà lắm khi nhìn lại dòng văn học đương đại hiện nay, có lúc tôi thấy bâng khuâng và hơi thất vọng là thế, vì người ta tìm đủ mọi cách để nổi danh, có khi không phải nổi bằng văn chương của mình, thậm chí có người cố tình viết sex cho lắm vào để nổi tiếng nữa kìa, nhưng mà thôi, đó là chuyện của người khác, không phải là chuyện mình. Mình thì nhớ lại bỗng thấy ngày xưa sao mình ham đọc thế nhỉ, cho dù mình đi Ban B là Ban Toán kia mà! Ngày xưa ham đọc e cũng giống ngày nay ham mạng xã hội vậy!
Bỗng dưng tôi lại nhớ… thành ra thấy tiếc, giá như đừng nhớ thì hơn nhỉ? Vì cứ mỗi lần nghĩ tới lại thấy chạnh lòng. Định viết tiếp nhưng thấy buồn buồn, thấy nhớ nhớ xen lẫn xót xa làm sao ấy, cho dù ngày nay cuộc sống đã ổn định, con cái đã thành đạt, song cứ mỗi lần bâng khuâng như thế này, tôi lại thấy mình cứ như bị ray rứt, thành ra đành phải gác trang viết giữa chừng thôi. Hôm khác bỗng dưng lại nhớ thì lại viết tiếp vậy, vì cuộc đời có lắm cái cần nhớ quá, chỉ muốn viết ra một lần để rồi quên cho khỏi tiếc nuối làm gì. Thôi thì hẹn lúc khác vậy… hôm nay viết lan man quá!