Tướng lãnh Khu Ông Tạ

Tướng lãnh Khu Ông Tạ

(Bài viết của Nhà báo Cù Mai Công)

BẮC HẢI – ĐẤT NGOẠI VI ÔNG TẠ
• Cả khu Ông Tạ từng có khoảng 50/161 tướng lãnh Việt Nam cộng hòa, riêng khu Bắc Hải có trên dưới 30 tướng.
“Từ đây về đường Bắc Hải, khu Ông Tạ thì cậu lấy bao nhiêu?”.
Đó là câu hỏi của một vị khách với một thanh niên chạy xích lô trên đường tìm về nhà cũ năm 1980. Vị khách ấy vốn là một giáo dân giáo xứ Nam Hòa – Ông Tạ, tù 18 năm ở miền Bắc (1962-1980) về tội làm gián điệp (tung ra miền Bắc) cho chính quyền Sài Gòn: Đặng Chí Bình. Câu hỏi này trong một tập hồi ký của ông in ở nước ngoài, tái bản nhiều lần.
Như một trong vô số minh chứng tự nhiên, không cần lý luận: khu Bắc Hải rõ ràng nằm trong mặc định của một người Bắc Hải, về địa giới hành chính là quận 10, Sài Gòn, nhưng “lòng” nó lại thuộc khu Ông Tạ, xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, Gia Định.
Khi tung ra miền Bắc năm 1962, ông còn là thanh niên 29 tuổi (sinh 1933). Khu Bắc Hải trong ông còn nguyên vẹn, sắc nét hình ảnh năm 1962 trở về trước, khi Ông Tạ đa số vẫn còn mái lá lều tranh:
“Nhìn đường phố trong ánh đèn đêm, tuy là “đường xưa, lối cũ” nhưng tôi vẫn cảm thấy một cái gì là lạ trong lòng. Nó không còn trọn vẹn cái thân thương, gần gũi tôi vẫn ấp ủ trong tâm tưởng bấy lâu. Gần bốn giờ, tôi đã đi qua nghĩa địa Đô Thành, với cái định vị trong đầu thì đây phải là đường Bắc Hải, nhưng sao đã thay đổi hết rồi.
Tôi nhớ ngày xưa, hầu hết các nhà trên con đường này đều lợp tôn, nhà gỗ. Hồi ấy một bên là tường xây của nghĩa địa, một bên là những ngôi nhà sàn, phía nửa sau nhà trên nước, nhưng bây giờ thì cả hai dẫy phố, nhà cửa hai ba tầng lầu. Chân cứ bước dần vào phía cư xá sĩ quan Chí Hòa và xứ Nam Hòa, mà lòng ngẩn ngơ như đi vào xứ lạ. Không còn một hình ảnh nào, để tôi nhận ra ”cảnh cũ người xưa”.
Tôi đã nhìn thấy ngôi nhà thờ Nam Hòa, xưa làm bằng gỗ, lợp tôn, nhưng bây giờ là một nhà thờ tân kỳ, kiểu mới. Tuy không có đồng hồ, nhưng qua dáng trời và ước định thời gian, tôi đoán có thể khoảng 4g15 hay 4g30 sáng. Tiếng chuông sớm của nhà thờ ngoáy thánh thót vào khung trời đêm Nam Hoà, cũng làm rung rinh hổn hển lòng tôi sắp gặp lại đấng sinh thành. Chợ Nam Hòa, xưa là những căn lều bốn cọc trống trải, giờ đây là những gian hàng xây ngăn nắp…”.
Ghi nhận này cho thấy cư xá sĩ quan Chí Hòa – nghĩa địa Đô thành – xứ Nam Hòa trong ẩn ức tự nhiên của chàng thanh niên này là một khối. Và cư xá sĩ quan Chí Hòa khi anh đi năm 1962 chưa đổi tên thành cư xá Bắc Hải.
ĐẤT NHÀ CỦA TRẺ CON ÔNG TẠ VÀ HÀNG QUÁN NAM HÒA, LỘC HƯNG
Đường Bắc Hải cách ngã ba Ông Tạ (trung tâm Ông Tạ) khoảng hơn 600m. Hiện nay, từ đường Cách Mạng Tháng Tám vô, bên trái là công viên Lê Thị Riêng (trước 1985 là nghĩa địa đô thành Chí Hòa), cư xá Bắc Hải – quận 10; bên phải thuộc quận Tân Bình.
Nhưng ít ai chú ý, thời Pháp thuộc và trước 1975 trong các bản đồ hành chính, cả hai bên đường đều thuộc khu vực Sài Gòn chứ không phải xã Tân Sơn Hòa, Gia Định. Cụ thể một phần lớn giáo xứ Lộc Hưng (đầu đường Bắc Hải), giáo xứ Nam Hòa (giữa đường Bắc Hải) hiện nay thuộc quận 10.
Nhung thôi, trẻ con vốn tự nhiên, có khi còn tinh tế hơn những lý luận, lý thuyết có phần máy móc của người lớn. Trẻ con Ông Tạ cũng vậy, cứ đất nào chúng tìm đến chơi thì đó là đất nhà chúng, tức an toàn với chúng, đơn giản vậy thôi.
Rất hiếm khi trẻ con Ông Tạ dám thơ thẩn chơi bên kia nghĩa địa đô thành Chí Hòa. Bên đó là đất Hòa Hưng – Cống Bà Xếp; có đám trẻ con xóm Chùa Định Thành “trấn giữ”, sang đó “lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc” như chơi. Tôi lấy “trải nghiệm” của chính mình trong một lần “lỡ bước sa chân” tung tăng sang đó.
Riêng khu Bắc Hải – khu Nhà Dây thép gió (đài/trạm phát tín – bên ngoài Vườn rau Lộc Hưng, trước 1975 gọi là “Cánh đồng Sơn Tây” do đa số bà con Bắc 54 ban đầu đến dây là Bắc 54 Sơn Tây), chúng tôi mò đến hàng ngày, nhất là mùa dế.
Bên ngoài khu Nhà Dây thép gió rào một lớp kẽm gai khá thưa, chúng vạch rào vô. Còn trong và ngoài khu cư xá sĩ quan Chí Hòa, bên khu vực sau này là trường Nguyễn Du được coi là đất của các “đấu sĩ” dế lửa “Hang Rắn”, “Hang Bò Cạp”… đá chết bỏ, không chạy. Cổng sau cư xá sĩ quan Chí Hòa ở ngã ba đường Đồng Nai – Tô Hiến Thành rào chằng chịt hai, ba lớp kẽm gai bên trên. Chả sao, đám trẻ con chúng tôi chỉ việc lòn một cây tre, khúc gỗ bên dưới, nhấc hổng rào kẽm gai lên chừng ba, bốn tấc (30-40cm), lồm cồm chui vô như… biệt kích, đặc công. Lính gác cư xá thấy có khi đuổi, có khi cũng lờ. Trẻ con khu này lính cũng quen mặt và chui ban ngày, có phải ban đêm đâu mà nổ súng.
Đâu chỉ trẻ con, từ sáng tới chiều, các ông bà hàng rong của giáo xứ Nam Hòa, Lộc Hưng cạnh bên gánh, đội, đẩy cháo, phở, xôi… bán đầy trong cư xá. Lính gác cổng nhẵn mặt quý ông bà Bắc 54 tần tảo sớm hôm ấy, khỏi hỏi; thậm chí còn là khách hàng thường xuyên của họ. Các bà bán rong Nam Hòa, Lộc Hưng rành từng nhà trong đây, biết nhà nào thích ăn món gì, nêm nếm ra sao. Thật ra “chuyên môn” này cũng đâu có khó khi dân ở khu này lúc ấy chưa nhiều, đa số Bắc 54 Công giáo, có xa lạ gì họ.
TỪ HẺM CỤT NHÌN SANG ĐƯỜNG BẮC HẢI…
Đối diện đường Bắc Hải, trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) là một con hẻm; trước hẻm xưa có một trụ nước cứu hỏa, bà con gọi là “Phôngtên bốn vòi”. Hẻm này cụt, có vài nhà nho nhỏ, ba, bốn người ở đủ chật. Trong đó có nhà bà cụ Xuân, con là đại úy Việt Nam Cộng hòa. Đại úy thì khó có nhà khu cư xá sĩ quan bên kia đường Bắc Hải đối diện. Con bà là Nguyễn Văn Đương, pháo đội trưởng Pháo đội B3 Nhảy dù, lính mũ đỏ.
Anh Đương thường vắng nhà. Có hàng xóm nghĩ vợ anh là vợ nhỏ vì lâu lâu mới thấy anh ghé thăm dù anh vốn là cao thủ cờ tướng trong đơn vị, luôn lấy đôi xe (song xa) gác nhà, hiếm khi “qua hà”.
Vậy nhưng với cuộc chiến tranh, lần đầu tiên trong đời, anh đã “qua hà”: có mặt ở căn cứ Đồi 31 – mặt trận Hạ Lào trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ngày 25-2-1971, sau khi pháo dồn dập, Quân Giải phóng tràn lên, anh Đương báo qua điện đàm: “Chỉ còn hai viên đạn”.
Qua máy liên hợp, đồng đội lúc ấy nghe đại úy Đương nói với một người lính dưới quyền: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá’. Tay phải của anh đã rớt, chân cũng máu me. Một lúc sau, tiếng nói cuối cùng của Đương bên kia nghe được: “11 (mã số của bộ phận chỉ huy) ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!” . Ngay sau đó, theo yêu cầu của đại tá Thọ, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 cũng đang ở đây, toàn bộ bốn pháo đội của Việt Nam Cộng hòa đồng loạt pháo vào căn cứ Đồi 31 – lính hai bên đều trong đó. Anh em bốn pháo đội bật khóc khi làm chuyện này vì chiến hữu mình cũng sẽ tan xương nát thịt trong đó.
“Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh?…” (“Anh không chết đâu anh” – Trần Thiện Thanh). Và tới giờ anh vẫn chưa “về với mẹ mong con” trong con hẻm trước có “phôngtên bốn vòi” ấy; xác chưa tìm thấy, hay đã tan thành tro bụi trong đạn pháo chiến hữu mình?
… ĐẾN BẮC HẢI VÀ CƯ XÁ SĨ QUAN CHÍ HÒA/ CƯ XÁ BẮC HẢI
… Trước 1975, Bắc Hải là con đường nhiều bóng cổ thụ che mát nhất khu vực Ông Tạ, đủ loại lim, sẹt…, nhiều nhất là điệp, tạo thành vòm. Có cả mấy cây chùm ruột, trứng cá, con nít hay rủ nhau trèo hái. Nhà hai bên toàn nhà trệt, có sân vườn – đúng là những căn nhà ngoại ô “có hoa thơm trái hiền”.
Cách đầu đường Bắc Hải một căn là nhà thẩm phán vĩnh viễn Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa Hoàng Quang Xuyến. Hai em ông là trung úy quân y Thủy quân lục chiến, thiếu úy Cảnh sát Quốc gia. Cô con gái út tên Phượng, không hiểu vì sao lại có biệt danh Phượng “phè”…
Kinh Bao Ngạn đào từ hồi Pháp mới chiếm xong Nam kỳ vẫn còn xuất hiện ở tất cả bản đồ Sài Gòn trước 1975 (nay đã bị lấp hết) khá rộng, chạy dọc đường Bắc Hải và qua cổng chính khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Giữa thập niên 1980, đạp xe học Đại học Sư phạm qua đây để ra Nguyễn Tri Phương đến trường ở An Dương Vương, tôi vẫn đi qua mấy dòng kinh trong vắt, đầy rau muống này. Nhà bên trong kinh có chỗ muốn ra ngoài phải đi qua những chiếc cầu lót đan bêtông.
Khung cảnh khu này càng êm ả hơn với tượng đài Đức Mẹ trên đường Bắc Hải do đại tá Việt Nam Cộng hòa Lý Trọng Song nhờ lính Quân tiếp vụ đóng ở cổng sau cư xá xây dựng. Riêng nhà thờ Tống Viết Bường – do công binh Đại Hàn xây dựng – cũng là công sức của đại tá Song cùng đại tá Đỗ Sinh Tứ, nhà cũng trong cư xá. Buổi khởi công xây dựng nhà thờ tháng 5-1968, khâm sứ Tòa Thánh Vatican, Đức Hồng Y Angelo Palmas đến đặt viên đá đầu tiên.
Ông Song lính tráng. Anh sinh đôi với ông cũng là đại tá, Lý Trọng Mỹ. Em trai ông là thiếu tá Lý Trọng Lễ. Anh rể là đại tá Bùi Dzinh, tư lệnh Sư đoàn 9. Nhà đầy lính tráng nhưng ông nhiệt thành mến đạo. Sau 1975, ông định cư ở Anh, trở thành phó tế trọn đời. Con ông Mỹ là Mỹ Ly, Mỹ Vân. Mỹ Ly học cùng lớp Bốn trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) với tôi. Anh em, dâu rể nhà các vị này ở toàn vùng ngoại ô Ông Tạ, nhà đại tá Mỹ trước trường Mai Khôi; nhà thiếu tá Lễ, đại tá Bùi Dzinh đối diện hồ tắm Cộng Hòa.
Khu cư xá nhiều cư dân theo đạo, đa số đi lễ nhà thờ Nam Hòa – Ông Tạ dù vốn thuộc quận 10 nên khi có một nhà thờ tạm, trước khi xây dựng thành nhà thờ Tống Viết Bường, linh mục bên nhà thờ Hòa Hưng trên đường Tô Hiến Thành mỗi chủ nhật sang đây làm lễ.
Cạnh bên xóm đạo Ông Tạ sầm uất nên công trình Công giáo có ở đây cũng không lạ. Tuy nhiên, khu này suýt có một ngôi chùa dự định mang tên An Quốc, ban đầu tính xây dựng ở miếng đất cạnh nhà thiếu tướng Trần Thanh Phong (khi mất truy thăng trung tướng) ở dãy nhà SS + TT, sau dời sang mảnh đất đối diện dãy FF. Phu nhân thủ tướng Trần Thiện Khiêm vốn Phật tử và trước cũng thường đi chợ Ông Tạ chủ trì công trình này. Tuy nhiên, mới xong tầng trệt thì 1975, công trình dang dở, sau thành nhà hưu trí của phường 15, quận 10.
Thời Pháp thuộc, Bắc Hải chỉ là một đường mòn nhỏ xíu của làng Chí Hòa, chạy cặp theo kinh Bao Ngạn. Năm 1946, Pháp mở rộng con đường mòn này, đặt tên Quân Sự và xây dựng một cư xá cho sĩ quan quân đội liên hiệp. Từ đường Verdun (tên thời Pháp), trước 1975 là Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) vào chừng 500m, nhìn bên trái là là cổng chính của cư xá. Năm 1959, cư xá sĩ quan này được đặt tên Chí Hòa.
Cư xá ban đầu gồm 10, sau lên 16 dãy nhà nhìn ra các con đường nội bộ thẳng thớm với ba trục dọc và bảy trục ngang, rải đá dăm. Xung quanh rào kẽm gai mấy lớp.
Năm 1969, cư xá đổi thành Bắc Hải, tên con đường chạy qua cổng chính của nó. Có người nói để “dân sự hóa” thực tế dân cư nơi đây rất gắn kết với xung quanh. Bắc Hải vốn là tên gọi của một trong sáu giáo họ của giáo xứ Nam Hòa – Ông Tạ: Bắc Hải, Bắc Hợp, Ân Lập… Giáo họ Bắc Hải sát đường Bắc Hải hiện nay và có tên gọi này khi nó còn mang tên đường Quân sự. Cũng có ý kiến cho là để tránh bị pháo kích của phe bên kia.
Từ đó, các con đường nội bộ của cư xá bắt đầu có tên, không rõ ý tưởng của ai: ba đường dọc tên sông: Đồng Nai, Cửu Long, Hương Giang; tám đường ngang (tính từ cổng chính vào) tên núi: Châu Thới, Bửu Long, Thất Sơn, Trường Sơn, Bạch Mã, Ba Vì, Hồng Lĩnh, Tam Đảo. Trong đó, đường hông Đồng Nai chạy suốt từ đường Bắc Hải ra đường Tô Hiến Thành.
Các dãy nhà chỉ cách nhau năm bảy chục mét nên chỉ cần nắm “nguyên tắc” này là người ngoài lẫn các shipper không rối tung lên trước các con đường “bàn cờ” đan nhau nơi đây.
30/161 TƯỚNG LÃNH, SĨ QUAN CẤP CAO VIỆT NAM CỘNG HÒA TỪNG LÀ CƯ DÂN NƠI ĐÂY
Cuối thập niên 1959, đầu thập niên 1960, đây là nơi ở của nhiều sĩ quan cấp tá của Việt Nam Cộng hòa, hầu hết gốc Bắc sau này trên dưới 30 vị đã lên tướng như Phạm Văn Phú, Lê Minh Đảo, Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Thanh Phong, Phạm Quốc Thuần…
Đại tá Trần Khắc Kính, Bắc 54 Nam Định – phó tư lệnh Lực lượng Đặc biệt; trung tá (khi tử trận truy thăng đại tá) Nguyễn Đình Bảo, Bắc 54 Hà Đông; trung tá Trần Thanh Chiêu, tư lệnh Sư đoàn 22 bộ binh… cũng ở đây.
Ông Bảo là Bắc 54 Hà Đông (nay là Hà Nội), xa Hà Nội năm 17 tuổi. Gốc Bắc, nhưng anh em đồng đội đều gọi bằng một cái tên rất Nam bộ: “Anh Năm”. Tô Phạm Liệu, một quân nhân dưới quyền nhận xét: “Anh Năm hào sảng, phóng khoáng và thật “giang hồ” với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới; chia sẻ vinh quang và buồn thảm với sĩ quan, binh sĩ thuộc cấp”.
Ông Bảo giỏi võ và biết giữ lòng tự trọng người Việt. Theo anh của ông, trung tá Bảo đã đánh một sĩ quan Mỹ dám làm nhục một người lính quân đội Sài Gòn.
Vợ ông vốn là một một chiêu đãi viên (tiếp viên) hàng không, sinh năm 1940, thua ông bốn tuổi. Ông học ở Hà Nội, mang nét hào hoa Thăng Long: lính tráng nhưng đàn giỏi, hát bay bổng. Ngày 11-4 là sinh nhật vợ, ông đã đặt sẵn một bánh kem cho bà. Ngày 25-3-1972, ông hành quân vào Charlie với lời hứa sẽ về dự sinh nhật vợ – mới sanh đứa út một, hai tháng.
Sinh nhật mình, người vợ không làm gì, chờ chồng về. Tới giờ 2022, 50 năm rồi, có lẽ bà vẫn chờ dù biết chồng sẽ không bao giờ trở về: ngày 12-4-1972, ông đã “thất hứa” khi nằm lại vĩnh viễn ở Charlie, khi là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy dù “song kiếm trấn ải”.
Charlie là tên một ngọn đồi khu vực ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào, trước 1975 thuộc quận Dakto, tỉnh Kontum thuộc Quân khu 2 Việt Nam Cộng hòa. Hôm đó, Quân Giải phóng pháo kích dữ dội vào khu đồi này trước khi đưa bộ đội tràn lên. Trung tá Bảo tử trận ngay từ những đợt pháo đầu tiên. Xác đến nay cũng chưa tìm thấy.
Chân dung ông được vẽ lớn, treo ở công viên trước Tòa Đô chánh (nay là UBND TP.HCM) hè 1972 cùng một số gương mặt tử sĩ Việt Nam Cộng hòa. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gọi là “bức chân dung trên công viên buồn” trong nhạc phẩm “Người ở lại Charlie”.
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ,
Tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ…
Ông bà có ba người con tên Nguyễn Bảo Tường, Nguyễn Bảo Tú và Nguyễn Bảo Tuấn; đều học rất giỏi; có cá tính. Tuấn là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ” trong nhạc phẩm ấy, sau 1975, học ở khu Ông Tạ và nay là kiến trúc sư, giảng viên đại học. Người anh cả sau 1975, bảy năm liền, từ khi học lớp 11 đến năm thứ sáu y khoa, sáng sáng đạp xe đạp từ cư xá Bắc Hải lên Gò Vấp mua bánh đậu xanh về bỏ cho các tiệm bánh rồi mới đi học; giờ là bác sĩ nhi khoa. Bảo Tú, chị kế Tuấn, giỏi nhiều ngoại ngữ, làm việc ở Hội đồng Anh nhiều năm nay. Người mẹ ở vậy nuôi con, từ khi mới 32 tuổi…
Nhà thiếu tướng Sư đoàn 18 bộ binh Việt Nam Cộng hòa Lê Minh Đảo, tư lệnh chiến trường trận Xuân Lộc nổi tiếng cũng trong khu cư xá Bắc Hải. Ông được ghi nhận là một trong những tướng lĩnh chỉ huy sư đoàn có khả năng nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ở Xuân Lộc, tướng Đảo đã tuyên bố sẽ “tử thủ”. Tuy nhiên sau 11 ngày chiến đấu, ông đã rút quân về Sài Gòn sau khi phi trường Biên Hòa – nơi các máy bay cất cánh yểm trợ mặt trận Xuân Lộc bị tấn công và phòng tuyến Phan Rang thất thủ.
(Khi Phan Rang thất thủ, đại tá Nhảy dù Nguyễn Thu Lương, nhà gần nhà thờ Chí Hòa – Ông Tạ bị Quân Giải phóng bắt).
Ông Đảo gốc Bình Hòa, là tướng Việt Nam Cộng hòa bị cải tạo lâu nhất, 17 năm. Khi ông đi cải tạo, thỉnh thoảng hàng xóm thấy bà quét dọn đường sá trong cư xá cùng bà con tổ dân phố. Vốn gốc Công giáo nhưng nói như người Công giáo, ông Đảo “khô đạo”. Nhưng cuối cùng, ông đã trở lại đạo bằng một lễ rửa tội do một linh mục trong cùng trại giam Z.30D ở Hàm Tân (Bình Thuận) thực hiện.
Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cũng ở đây. Ông là tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh, lực lượng phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa khu vực bắc Sài Gòn trước khi thất thủ. Sáng 30- 4-1975, ông bị quân Giải phóng bắt tại làng Tân Thạnh Đông, quận Củ Chi, đi cải tạo 13 năm. 1988 ông được trả tự do và 1990 sang Mỹ theo diện HO.
Thiếu tướng Trần Thanh Phong (khi mất truy thăng trung tướng) nhà cũ ở dãy SS + TT, vốn là tư lệnh nhiều đơn vị Bộ binh thiện chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đứng đầu ngành An ninh Nội chính (Cảnh sát Quốc gia) và chức vụ cuối cùng là chánh văn phòng thường trực Trung ương Đặc trách Chương trình Thị tứ của thủ tướng. Cuối năm 1972 ông bị tử nạn máy bay quân sự khi đi thanh sát Quân khu 2. Cùng chuyến bay này với ông có đại tá Lý Trọng Mỹ, nhà cung trong cư xá (em vợ của đại tá Bùi Dzinh, nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa) may mắn thoát nạn.
Có hai vị tướng trong khu này đã ra đi trong tang tóc. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông, tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2, là một trong năm tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đã tự sát trong sự kiện 30-4-1975. Ngày 29-4, sau khi nhờ sĩ quan tùy viên đưa phu nhân và các con ông ra phi trường Tân Sơn Nhứt để di tản ra khỏi Việt Nam, ông đã uống một liều thuốc độc cực mạnh.
Vợ ông nghe một sĩ quan phi báo, đã bỏ chuyến đi, quay về, đưa ông vào bệnh viện Grall cấp cứu. Trưa 30-4, ông thở hơi cuối cùng sau khi biết Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh tướng sĩ dưới quyền buông súng, chính quyền các cấp bàn giao cho chính quyền Cách mạng và Quân Giải phóng đã tiến vào Sài Gòn.
Trước đó, ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc thất thủ Tây nguyên, mắt xích đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Trước đó, ông từng bị Việt Minh bắt làm tù binh sau trận Điện Biên Phủ 1954. Khi đó, ông là đại úy của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù (thời Quốc gia Việt Nam – Bảo Đại).
Riêng thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Bắc 54 Bắc Ninh, tư lệnh phó Quân đoàn 3 Đặc trách Hành quân đã tử nạn ngày 8-4-1975 ở ngay bàn làm việc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, do một viên đạn từ cằm xuyên lên trên.
Tướng Hiếu là một trong những vị tướng được coi là tài năng, trực tính và đặc biệt là thanh liêm nhất trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1972, ông được Phó Tổng thống Trần Văn Hương cử làm thứ trưởng đặc trách bài trừ tham nhũng khi tệ nạn tham nhũng đang hoành hành trong nhiều lãnh đạo quân đội Sài Gòn. Từ vị trí này, ông đã buộc hàng loạt sĩ quan cao cấp, trong đó có hai trung tướng Nguyễn Văn Vỹ, Lê Văn Kim và bảy đại tá bị cách chức. Tuy nhiên, sau đó, ông đã buộc phải cay đắng nói ra: “Chiến dịch chống tham nhũng sẽ không đi tới đâu vì các bộ trưởng trong nội các và thủ tướng (Trần Thiện Khiêm – vốn cũng từng có thời gian ở ngoại vi Ông Tạ) không cộng tác”.
Cái chết của ông được coi là bí ẩn. Có thông tin cho là do tranh cãi với cấp trên về cuộc chiến lúc ấy như hãng tin UPI lúc ấy: “Tư lệnh phó Quân đoàn 3, bảo vệ vùng Sài Gòn được khám phá bị bắn tối thứ ba sau một cuộc cãi vã về chiến thuật với cấp trên của mình. Các nguồn tin quân sự nói là có vẻ ông ta tự vận. Các nguồn tin đó nói thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu chết với một vết thương do một viên đạn gây nên ở miệng tại văn phòng ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 nằm ven biên phi trường quân sự Biên Hòa, cách Sài Gòn 18 dặm. Không biết sự kiện tướng Hiếu chết có liên quan gì với vụ oanh tạc Dinh Độc Lập của ông Nguyễn Văn Thiệu xảy ra sáng thứ ba cùng ngày không?”.
Tuy nhiên, theo báo cáo mật của CIA đã được công bố: “Tướng Hiếu bị ám sát bởi cận vệ của tướng Toàn, đại úy Đỗ Đức, trong văn phòng riêng tại bản doanh Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 bởi một một viên đạn bắn vào cằm xuyên lên não”.
Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn 3 vốn ‘khét tiếng’… tham nhũng trong quân đội Sài Gòn. Có thời gian chỉ huy một sư đoàn đóng ở vùng nhiều rừng quế, ông đã thu gom và đầu cơ loại đặc sản này, lính tráng gọi lén là “Quế tướng công”.
Sáng 10-4- 1975, Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến nhà thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu trong cư xá Bắc Hải viếng tang, truy thăng ông lên trung tướng và truy tặng Bảo quốc huân chương đệ tam đẳng kèm Anh dũng bội tinh với nhành dương liễu.
Những vị tướng tá khác trong cư xá giờ tứ tán khắp nơi, trong và ngoài nước, kẻ mất người còn. Lính tráng thời chiến, ai hay dâu bể sự đời về sau…

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *