Bảo Đại và Ngô Đình Diệm
Hoàng đế Bảo Đại
Bảo Đại tên thật là Vĩnh Thụy, sinh năm 1913. Được tấn phong Đông cung Thái tử năm 1922, ngày 28 tháng 4 .
Năm 1922, ngày 15 tháng 5, Vua Khải Định cùng Khâm Sứ Pasquier sang viếng thăm nước Pháp, nhân dịp này ông dẫn theo Vĩnh Thụy để gởi Vĩnh Thụy du học tại Pháp, lúc đó Bảo Đại mới 9 tuổi.
Năm 1925, ngày 25 tháng 11 vua Khải Định băng hà. Bảo Đại trở về nước thọ tang
Năm 1926, ngày 8 tháng 1, Vĩnh Thụy lên ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại, có nghĩa là triều đại của huy hoàng .
Năm 1926, tháng 3, Bảo Đại trở lại Pháp tiếp tục sự học, công việc của triều đình có quan nhiếp chính đại thần Tôn Thất Hân lo liệu. Ông học trung học ở trường Carnot . Năm 17 tuổi theo học trường Khoa Học Chính trị.
Năm 1932, 19 tuổi, Bảo Đại về nước để làm vua. Ông bàng hoàng nghe quan Thượng thư bộ Lại (tương tự Thủ Tướng) cho biết vua Việt Nam chỉ còn giữ được quyền về nghi lễ, quyền ân xá tội nhân, quyền phong sắc cho các thần linh, quyền cấp phát tưởng lục, phẩm hàm cho người chết hay người còn sống.
Ngay hôm làm việc đầu tiên ông ra lệnh các quan không phải quỳ lạy trước mặt vua và ban sắc lệnh trả tự do cho các phi tần của vua Khải Định, ai muốn ở lại để thờ phụng Khải Định thì vẫn có quyền ở lại nơi cũ và hàng tháng vẫn có tiền trợ cấp cho đến khi chết.
Năm 1933, ngày 2-5, Bảo Đại ra một đạo dụ tuyên bố cải cách hành chánh. Chính ông sẽ lãnh đạo chính phủ. Không có chức thủ tướng. Trẻ trung hóa nội các bằng cách thay 5 quan lớn trong triều bằng 5 nhân vật còn trẻ. Người thứ nhất là chuyên viên kinh tế Nguyễn Đệ, ông này là con của một nữ quan thân cận của Từ Cung thái hậu, ông này giữ chức bí thư riêng của nhà vua.
Một người nữa do chính quyền Pháp tiến cử là ông Phạm Quỳnh, 35 tuổi, tự học, viết văn, làm báo nổi tiếng với các bài xã luận chính trị, trong đó có bài “Tiến tới một hiến pháp” chủ trương xây dựng chế độ “Quân chủ lập hiến”, ông này giữ chức Tổng lý Ngự tiền văn phòng, quyền hành giống như thượng thư bộ Lại trước đây. Người thứ ba là Bùi Bằng Đoàn (thân phụ của ông Bùi Tín), 51 tuổi, có bằng luật khoa giữ chức Thượng thư Bộ Hình. Người thứ tư là Thái Văn Toản giữ chức Viện trưởng Cơ Mật Viện.
Người thứ 5 là Ngô Đình Diệm 31 tuổi là một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất lúc ấy đang làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết ( Theo hồi ký của Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam, trang 91). Ông này giữ chức Thượng thư Bộ Lại, kiêm luôn Tổng thư ký Hội Đồng Hỗn Hợp Về Canh Tân, hội đồng này bao gồm các thượng thư (Bộ trưởng) Việt Nam và các công chức cao cấp Pháp.
Sở dĩ Bảo Đại chọn Ngô Đình Diệm vào vị trí quan trọng nhất trong mưu đồ cải tổ hệ thống hành chánh, canh tân xứ sở, từng bước dành lại quyền lực trong tay người Pháp vì trước tiên là do quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài tiến cử. Thứ hai là do tiếng tăm của cha ông Ngô Đình Diệm là quan Thượng Thư Ngô Đình Khả làm quan dưới triều Thành Thái, rất được dân chúng kính phục. Thuở đó dân Huế có câu: “Đày vua không Khả, đào mã không Bài”.
Nguyên do là năm 1907 vua Thành Thái tỏ dấu hiệu bị bệnh tâm thần, không biết ông điên thật hay điên giả nhưng luôn miệng chưởi Pháp nên bị ép buộc phải thoái vị, nhường ngôi cho con là Duy Tân. Quan Lưu Kinh đại thần Ngô Đình Khả là người trước đó có ảnh hưởng lớn với Thành Thái đã mở cuộc vận động chống đối nhưng Pháp vẫn phế vua và đày vào sinh sống tại Vũng Tàu. Từ ngày này Ngô Đình Khả bị chính quyền Pháp dè chừng nên ông từ quan về hưu và chết vào năm 1923.
Năm 1913 Khâm sứ Pháp tại Huế là Mahé cho đào mã vua Tự Đức để lấy vàng, quan Thượng Thư bộ Công kiêm bộ Binh Nguyễn Hữu Bài đã công khai đả kích Cơ Mật viện trưởng Trương Như Cương và Thượng thư bộ Hình Tôn Thất Hân là đã không ngăn cản việc đào mã. Khâm sứ Mahé đề nghị cách chức Bài nhưng Toàn quyền Sarraut sợ sự công phẩn của dân chúng nên để yên . Vì thế mới có câu “Đày vua không Khả, đào mã không Bài”. Lý do thứ ba để chọn ông Ngô Đình Diệm vì chính bản thân ông có tài, có nhiệt huyết và nổi tiếng đạo đức.
Sở dĩ ông Bài tiến cử ông Diệm vì ông Diệm là con đỡ đầu của Nguyễn Hữu Bài. Ông Bài có 2 người con trai và 2 người con gái nhưng hai người con trai chết sớm, người con gái đầu lấy Ngô Đình Khôi là con trưởng của Ngô Đình Khả, còn người con gái út thì đi tu trong một tu viện Công giáo. Ngô Đình Diệm là người mà Nguyễn Hữu Bài gửi gấm hoài bảo cứu nước của mình. Sau này nhờ hồi ký của Cường Để người ta mới biết được Nguyễn Hữu Bài tuy làm quan đầu triều nhà Nguyễn nhưng vẫn tham gia Duy Tân Hội là một hội kín chống Pháp từ năm 1904, do Cường Để làm Hội chủ.
Năm 1933, đầu tháng 9, sau 4 tháng làm việc, Ngô Đình Diệm đến gặp Bảo Đại và xin từ chức. Sau này trong hồi ký, Bảo Đại kể lại cuộc gặp này:
– “Tâu Hoàng thượng, hạ thần đến để xin Hoàng thượng cho từ chức, và cũng xin Hoàng thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà hoàng thượng đã trao phó từ trước”
– “Quan Thượng, viên thư ký Nguyễn Đệ đã tâu trình trẫm tất cả nỗi khó khăn của ông, nhưng trẫm nghĩ rằng ông nên tiếp tục ở lại”.
– “Tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng tha tội cho kẻ hạ thần nhưng quả không thể nào ở được. Ở lại chức vụ này, quả nhiên là một trò hề đau khổ của hạ thần mà hạ thần không thể nào kham nổi . Người Pháp đã nắm hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn luôn nhân danh hòa ước bảo hộ, nhưng họ không lúc nào không vi phạm từng ngày, từng giờ” ( Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 93).
Sau khi chấp thuận cho Ngô Đình Diệm từ chức ông kể lại: “Ngô Đình Diệm đi rồi tôi hoàn toàn thất vọng” (Trang 94). Rồi tới phiên người bạn thân của Ngô Đình Diệm là Nguyễn Đệ. Bảo Đại kể:
– “Kính tâu Hoàng thượng, mặc dầu tiểu thần rất kính yêu Hoàng thượng, tiểu thần cũng không thể nào muốn được lưu lại chức vụ này, chỉ làm tiểu thần mất thì giờ vô ích. Trong sáu tháng được ở trong ngành, kinh nghiệm đã cho thấy rõ. Ở Việt Nam này, ai cũng mong được làm quan, nhưng đó không phải là trường hợp của tiểu thần. Làm chánh văn phòng cho Hoàng thượng, tiểu thần chỉ được có 120 đồng một tháng. Trong khi đó taị nhà băng Đông Pháp, họ đã tuyển người quản lý lương tháng 300 đồng. Ngành của tiểu thần là tính toán lời lãi. Tiểu thần phục vụ Hoàng thượng chỉ cốt để phục vụ cho đất nước thoát ra hiện tình này…”.
– “Trường hợp ấy, trẫm cho phép khanh nghĩ dài hạn, nhưng trẫm không muốn khanh từ chức…”.
– “Tâu Hoàng thượng, xin tuân lệnh, nhưng xin Hoàng thượng biết cho rằng, nếu tiểu thần phải rời bỏ chức vụ này, không phải là sự đào tẩu. Tiểu thần chỉ muốn hoạt động trong lãnh vực khác, cốt để tìm nền độc lập kinh tế cho nước ta mà thôi. Bởi vì, khi người Pháp còn nắm quyền cai trị, thì nền thương mại ở tay bọn người Hoa hết. Biết bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam đã chọn nghề tự do. Vậy thì chúng ta cần phải có những nhà kinh doanh. Thực sự chẳng phải thần ham chức đại lý nhà băng Đông Dương, mà chỉ muốn thay thế viên mại bản người Hoa.
Tất cả đồng bào ta, khi muốn mở mang cơ sở gì mà cần đến vốn của nhà băng, đều phải bắt buộc phải qua tay viên mại bản người Hoa này. Đó cũng là một hình thức lệ thuộc đè nặng lên xứ sở của mình. Tiểu thần chỉ muốn đập tên mại bản người Hoa…”
– “Khanh có chắc không?”.
– “Tâu Hoàng thượng, không chắc lắm. Nhưng tiểu thần mới 32 tuổi. Tiểu thần xin hứa với Hoàng thượng rằng chẳng bao lâu, sẽ chứng minh được rằng người Việt minh cũng thừa khả năng kinh doanh như người Trung Hoa”(Trang 94).
Bảo Đại kể tiếp: “Thế là tôi cô đơn, chỉ có một mình” (Trang 95), “Từ đó, tôi để mặc cho Phạm Quỳnh lèo lái, múa may trên sân khấu”( Trang 96). Chính Bảo Đại đã thấy rằng triều đình Huế chỉ là một sân khấu hát tuồng và vì chỉ có một mình nên ông đành chịu. Theo như hồi ký ông nói rằng để mặc cho Phạm Quỳnh múa may trên sân khấu có nghĩa là ông cho rằng mình không ở trên sân khấu đó nhưng thực ra là ông đã tự đánh lừa ông. Ông đâu có thể bắt chước hai ông kia mà từ chức “vua” được. Do đó ông bỏ mặc triều chính mà đi lên rừng săn bắn, làm bạn với cỏ cây, muông thú, ông nghĩ rằng ông đã xa lánh sân khấu nhưng thực ra ông vẫn thủ vai ông vua không ngai trên một sân khấu lớn hơn mà thôi.
Phần Phạm Quỳnh, lúc chủ trương tờ báo Nam Phong tạp chí ông có công lớn trong việc mở mang dân trí bằng cách cổ động phong trào dùng chữ Quốc ngữ, sưu tầm các áng văn cổ của dân tộc rồi dịch ra chữ Quốc ngữ cũng như dịch thuật các tác phẩm văn chương của Tây Âu và Hán ngữ. Ông viết xã luận rất hay nhưng cũng giống như các ông thầy đồ ngồi giữa chiếu đình làng mà bàn chỗ trắng vạch chỗ đen, suy chuyện Đông Tây, Kim Cổ; đến khi thực hành, nắm trong tay cả triều đình thì chẳng làm được một việc gì gọi là ích quốc lợi dân trong suốt một thời gian dài 12 năm. Tiếng là Phạm Quỳnh theo tân học nhưng đến khi nắm trong tay cả Nội Các và Cơ Mật Viện ông chỉ làm được một việc là canh tân văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên sau này có một số giáo sư Sử học cho rằng công lao phát huy văn hóa nghệ thuật của Phạm Quỳnh là nằm trong kế hoạch của Pháp nhằm ru ngủ nhân dân Việt Nam để quên đi tinh thần đấu tranh chính trị. Có lẽ lời cáo buộc này do các giáo sư tự suy diễn chứ không căn cứ vào một bằng cớ nào, bởi vì nếu đó là chủ trương của nhà cầm quyền Pháp thì họ cũng không viết thành văn bản cũng như không thể công bố thành chính sách cho nên ngày nay không còn bằng cớ.
Riêng các giáo sư dạy Sử thời Tổng thống Ngô Đình Diệm thường tìm cách chê bai Phạm Quỳnh để lấy lòng họ Ngô, bởi vì họ biết giữa Ngô Đình Diệm với Phạm Quỳnh có hục hặc với nhau lúc hai ông cùng ở trong nội các canh tân của Bảo Đại. Phía họ Ngô cáo buộc Phạm Quỳnh thân Pháp nên tìm cách trói tay Ngô Đình Diệm trong việc tranh đấu đòi lại chủ quyền cho đất nước. Chuyện hục hặc giữa Phạm Quỳnh và họ Ngô đã có một kết cục trớ trêu là năm 1945 Phạm Quỳnh và cha con ông Ngô Đình Khôi bị Việt Minh đập đầu rồi chôn chung một huyệt.
Con người thật của ông Nguyễn Hữu Bài
Ông Nguyễn Hữu Bài tham gia hội kín chống Pháp ( Duy Tân Hội ) của Cường Để từ năm 1904, lúc đó ông là Tổng đốc Nam Ngãi. Năm 1906 là Thượng thư Bộ Công, năm 1907 Thượng thư Bộ Công kiêm Thượng thư Bộ Binh, năm 1923 là Cơ Mật Viện trưởng. Năm 1933, Bảo Đại về nước chính thức cầm quyền, trẻ trung hóa nội các bằng cách đưa 5 người trẻ tuổi vào những chức vụ quan trọng. Lúc đó quan Lại bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã 70 tuổi tự nguyện xin rút lui và đề cử Ngô Đình Diệm lên thay thế mình (Hồi Ký Bảo Đại). Nguyễn Hữu Bài mất năm 1935 nhưng thân nhân của Nguyễn Hữu Bài còn có Ngô Đình Khôi là con rễ và Ngô Đình Diệm là con đỡ đầu vẫn tiếp tục tham chánh trong triều đình.
Theo tài liệu lưu trữ tại văn khố Pháp, Khâm sứ Thibaudeau báo cáo về Paris sau khi nhận được Kế Hoạch Canh Tân của Ngô Đình Diệm năm 1933. Thibeaudeau cho rằng lập trường của Ngô Đình Diệm cũng y hệt Nguyễn Hữu Bài vì Bài luôn luôn đòi hỏi phải thi hành nghiêm chỉnh Hòa ước 1884 giữa Pháp và Việt Nam. Theo hòa ước này thì phải hủy bỏ hai chức Thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp. Ngoài ra phải cho Viện Dân biểu quyền thảo luận.
Theo một báo cáo khác của Thibeaudeau thì trước khi từ chức Ngô Đình Diệm đã ra Quảng Trị gặp Bài, ở lại ít ngày với Bài rồi mới về Huế nộp đơn từ chức (đơn nộp cho Bảo Đại, bản sao gởi cho Thibeudeau), trong đơn nêu lý do từ chức là vì tổ chức cai trị hiện tại giữa Pháp và Việt Nam không đúng với căn bản là Hòa ước 1884. Theo hòa ước này Pháp chỉ có quyền Bảo hộ Kiểm soát (Protectorat decontrole) chứ không được quyền Bảo Hộ Trực tiếp (Protectorat direct).
Ngô Đình Diệm chịu ảnh hưởng nặng của Nguyễn Hữu Bài mà Nguyễn Hữu Bài là một trong nhiều quan của triều đình Huế đã tham gia hội kín “Duy Tân Hội” của Hoàng thân Cường Để thành lập năm 1904 tại Quảng Nam. Từ năm đó cho đến năm 1945, khi Cường Để cho công bố quá trình hoạt động của phong trào Duy Tân và Đông Du thì người Pháp mới biết ông Bài có chân trong tổ chức ái quốc chống Pháp. Lúc đó người Pháp mới lục lại hồ sơ cũ của Nguyễn Hữu Bài và thấy ông luôn luôn hành động bênh vực cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam :
Năm 1907 khi người Pháp muốn truất phế vua Thành Thái vì có biểu hiện chống Pháp thì Nguyễn Hữu Bài, lúc đó đang là Thượng thư bộ Binh kiêm bộ Công, đề nghị đưa vua Hàm Nghi trở lại ngôi. Sau khi Pháp không đồng ý thì ông đề nghị Cường Để. Người Pháp cũng không đồng ý thì ông đề nghị Duy Tân. Đến năm 1916 vua Duy Tân tham gia binh biến cướp chính quyền từ tay Pháp, bị bắt và bị đày thì một lần nữa Nguyễn Hữu Bài đề nghị đưa Hàm Nghi trở về làm vua. Trong suốt thời gian Bảo Đại du học ở bên Pháp, Tôn Thất Hân làm Nhiếp chính đại thần nhưng mọi quyền hành trong tay Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Hữu Bài, ông luôn luôn tranh đấu đòi người Pháp trả lại quyền hành cho triều đình Việt Nam theo như hiệp ước đã ký kết.
Tuy nhiên ông rất thù ghét chủ nghĩa Cọng sản vì ông cho rằng trái với đạo nghĩa, trên không có Trời Phật, dưới không có quốc gia dân tộc, trong gia đình không có cha con, vợ chồng. Chính mắt ông chứng kiến hàng ngàn nạn nhân của cuộc cách mạng vô sản tại Nghệ Tỉnh năm 1930, từ những thân hào nhân sĩ bị ra tòa án nhân dân, những người có của bị giết vì tội giàu có, thậm chí người tu hành trong chùa, trong nhà thờ cũng bị mang ra xử và bị hành quyết. Cuộc cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt đầu xảy ra ngày 5-1-1930, lúc này Nguyễn Hữu Bài là người nắm trọn quyền hành của triều đình nhà Nguyễn nhưng ông để yên, có thể ông còn mừng vì thấy dân chúng đã biết nổi dậy để đòi lại lại chủ quyền.
Tin tức về các cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng được ông phớt lờ. Sau 4 tháng thấy triều đình không ra tay thì các cán bộ Cọng sản mới thừa thắng xông lên và chuyển thành bạo động cách mạng vô sản. Đến lúc này chính quyền Pháp mới giật mình, một mặt yêu cầu triều đình Huế đàn áp vì Trung Kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình, một mặt chính quân đội Pháp tấn công tái chiếm các vùng do Cọng sản kiểm soát. Đích thân Cơ mật viện trưởng Nguyễn Hữu Bài ra Nghệ Tỉnh tái lập trật tự. Ra đến nơi ông mới thực sự chứng kiến hậu quả thảm khốc của chủ nghĩa Marx-Lénine cho nên từ đó ông có ác cảm với những người Cọng sản. Để ổn định lại tình hình ông thi hành chính sách chiêu hồi, cấp phát thực phẩm cho những người xin quy phục, phát thẻ quy thuận để kiểm soát, rước cờ Vàng, cầu siêu cho những người chết oan v.v…
Đế hiệu của vua Duy Tân
Có nhiều sử gia thắc mắc về Đế hiệu của vua Duy Tân, ông lấy hiệu này khi lên ngôi năm 1907. Lúc đó ông mới 7 tuổi thì ai giúp ông chọn Đế hiệu đó? Bởi vì nó trùng với tên hội kín của Cường Để thành lập năm 1904. Bắt một gạch nối giữa Cường Để và vua Duy Tân thì ở giữa có ông Nguyễn Hữu Bài và ông Ngô Đình Khả.
Khi vua Thành Thái còn tại vị thì Ngô Đình Khả là người có ảnh hưởng với Thành Thái nhiều nhất. Do đó khi Pháp truất phế và đày vua Thành Thái thì con trai của Thành Thái là Duy Tân chỉ còn Ngô Đình Khả là người thân cận vì ông này là người duy nhất vận động chống lại lệnh đày vua. Trong khi đó ông Nguyễn Hữu Bài đứng ngoài nhưng ông Bài rất thân với ông Khả (Ngô Đình Khôi là con rể và Ngô Đình Diệm là con đỡ đầu của Nguyễn Hữu Bài). Có lẽ hai chữ Duy Tân chuyền từ ông Bài qua ông Khả đến những người thân cận của Hoàng Tử Vĩnh Sang.
Hoàng tử đã lấy hiệu là Duy Tân lúc ông mới 7 tuổi nhưng lớn lên ông cũng thực hiện tinh thần Duy Tân mà người ta đã chọn cho ông. Cuối cùng năm 16 tuổi Duy Tân bị bắt và đưa đi đày cũng vì hành động “Duy Tân”. Ông không phụ lòng Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Cường Để và những nhà ái quốc như Thái Phiên, Tăng Bạt Hỗ, Trần Cao Vân, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính…
Ông Nguyễn Hữu Bài dưới con mắt của sử gia Vũ Ngự Chiêu
Sau cuộc biến đổi thời cuộc năm 1975, có một tiểu thuyết gia Việt Nam tên là Vũ Ngự Chiêu đã chạy sang Hoa Kỳ, ông đi học tiếp và được các tổ chức chính trị tại Hoa Kỳ tài trợ cho ông để ông lấy bằng tiến sĩ sử học. Cuối cùng thì Vũ Ngự Chiêu trở thành một nhà sử học duy nhất của Việt Nam có nhiều tác phẩm được dùng trong các đại học tại Hoa Kỳ. Thế nhưng trong các tác phẩm của mình ông Vũ Ngự Chiêu ( Chính Đạo ) luôn luôn cố tình bôi đen các nhân vật lịch sử Việt Nam. Đặc biệt là những nhà ái quốc nổi tiếng như Vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân, Hoàng thân Cường Để, ông Phan Chu Trinh, ông Phan Bội Châu, ông Huỳnh Thúc Kháng, ông Ngô Đình Khả, ông Nguyễn Hữu Bài v.v
Sử gia Vũ Ngự Chiêu viết một đoạn tiểu sử của ông Bài như sau: “Cuối năm 1912, đầu năm 1913, Bài dính líu vào việc đào tìm kho tàng trong cấm thành của Khâm sứ Mahé, khiến toàn quyền Albert Saurraut vô cùng bất mãn” ( Chính Đạo, Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại, tập 2, trang 55 ).
Đọc qua đoạn văn và cả quyển sách này ai cũng tưởng Nguyễn Hữu Bài cùng với ai đó đi ăn trộm kho tàng của Khâm sứ Mahé khiến cho Toàn quyền Saurraut nổi giận. Tuy nhiên muốn tìm hiểu chuyện đào vàng này như thế nào thì phải lục lại Văn khố Quốc gia Pháp, hồ sơ số 9PA, C3. Theo báo cáo của Toàn Quyền Albert Sarraut ngày 21/3/1913 thì cuối năm 1912 Khâm sứ Pháp tại Huế là Mahé muốn quyên góp tiền để sung vào công quỷ chuẩn bị cho chiến tranh 1914-1918 thì có người chỉ cho Mahé nên đào mả vua Tự Đức để lấy vàng vì lúc chôn Tự Đức có chôn theo rất nhiều vàng.
Trước khi thực hiện, Mahé vào gặp triều đình Huế để hỏi ý kiến các quan trong Cơ mật viện do Trương Như Cương đứng đầu, các quan trong Cơ mật viện không có ý kiến. Biết được việc này Thượng thư bộ Công là Nguyễn Hữu Bài vào triều chưởi Trương Như Cương thậm tệ và hô hào chống lại việc đào mả. Sau đó thì báo chí Pháp nhảy vào chỉ trích Mahé khiến đích thân toàn quyền Saurraut chỉ thị cho Mahé phải trả lại nguyên trạng cho lăng Tự Đức.
So lại với lời văn mô tả của sử gia kiêm tiểu thuyết gia Vũ Ngự Chiêu thì sử gia đã viết ra theo trình tự như sau: Vì Mahé đào mả vua Tự Đức nên Nguyễn Hữu Bài mới nhảy vào phản đối, như vậy là Nguyễn Hữu Bài có can dự vào chuyện lôi thôi đó cho nên sử gia Vũ Ngự Chiêu viết rằng: “Bài dính líu vào việc đào mã tìm kho tàng…”.
Việc đào mã tìm kho tàng là việc làm của Mahé nên Vũ Ngự Chiêu viết luôn một mạch là “Bài dính líu vào việc đào tìm kho tàng của Mahé…”. Mahé bị cấp trên là Toàn Quyền Saurraut quở trách thì Vũ Ngự Chiêu viết tiếp luôn một mạch là“Bài dính líu vào việc đào tìm kho tàng của Khâm sứ Mahé khiến toàn quyền Saurraut vô cùng bất mãn” (sic).
Ngoài việc muốn gieo oan cho Nguyễn Hữu Bài về vụ đào mả, sử gia Vũ Ngự Chiêu còn muốn gieo oan cho Nguyễn Hữu Bài trong vụ truất phế vua Duy Tân, ông viết: “Năm 1916, Bài bị tình nghi dính líu vào việc truất phế Duy Tân, đưa Bửu Đảo lên ngôi”( Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí, trang 339 ).
Ai cũng biết là vua Duy Tân bị người Pháp truất phế do vì nhà vua lãnh đạo cuộc binh biến toan tính lật đổ chính quyền Pháp vào năm 1916 chứ không có ai âm mưu truất phế Duy Tân. Và ai cũng biết người Pháp quyết định đưa Khải Định lên làm vua trong khi ông Bài đề nghị đưa Hàm Nghi từ Châu Phi về làm vua.
Mọi việc được sử gia kiêm tiểu thuyết gia Vũ Ngự Chiêu viết theo trình tự như sau: Pháp bắt giam vua Duy Tân và hỏi ý kiến các quan là nên đưa người nào lên thế thì Nguyễn Hữu Bài có xía vô đề cử vua Hàm Nghi; cho nên Vũ Ngự Chiêu viết rằng “Bài dính líu vào vụ trất phế Duy Tân”.
Tuy nhiên cái việc truất phế Duy Tân thì chưa có ông Bài dính líu, ông chỉ dính líu ở giai đoạn giữa, tức là ông đứng ra đề nghị đưa Hàm Nghi lên thay thế nhưng bị người Pháp từ chối. Sau đó tới đoạn chót là người Pháp quyết định đưa Khải Định lên. Thế nhưng Vũ Ngự Chiêu đã rút giai đoạn đầu gặp giai đoạn chót thành một chuyện có đầu có đuôi , đó là“vụ truất phế Duy Tân, đưa Khải Định lên”.
Và dĩ nhiên giữa đầu và đuôi có Nguyễn Hữu Bài cho nên Vũ Ngự Chiêu viết: “Bài dính líu vào việc truất phế Duy Tân, đưa Khải Định lên” (sic).
Mặc dầu làm quan lớn trong triều đình Huế nhưng Nguyễn Hữu Bài đã tham gia Duy Tân hội là một hội kín chống Pháp gồm toàn các nhà ái quốc nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên người Pháp vẫn không biết cho đến khi ông Bài chết và hồi ký của Cường Để sau này mới xác nhận Nguyễn Hữu Bài là một nhà ái quốc có chân trong tổ chức chống Pháp. Sử gia Vũ Ngự Chiêu không thể chối bỏ được chuyện này cho nên ông viết:
“Theo Cường Để, Bài đã bí mật tham gia tổ chức Duy Tân hội; và có lẽ vì thế, từng yêu cầu đưa Cường Để lên thay Thành Thái” ( Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại, trang 56 ). Đọc qua đoạn văn và cả quyển sách này các thanh thiếu niên Việt Nam không biết Cường Để là ai và Duy Tân hội là một hội như thế nào, Thành Thái là ai và vì sao phải thay Thành Thái.
Sử gia Vũ Ngự Chiêu đã cố tình không giải thích Hoàng thân Cường Để là người trong hoàng gia đã được các nhà ái quốc Việt Nam bầu làm hội chủ một hội kín chống Pháp từ năm 1904, hội này tên là Duy Tân Hội. Đích thân Cường Để phải sang Nhật và tiến hành tổ chức đưa người Việt sang học cách đổi mới của Nhật để mong khôi phục giang sơn Việt Nam. Ông đã bị nhà cầm quyền Pháp xử tử hình khiếm diện cùng với Phan Bội Châu năm 1913, sau đó ông luôn luôn hoạt động mưu tìm độc lập cho Việt Nam tại hải ngoại cho đến khi ông mất vào năm 1951. Lúc Nguyễn Hữu Bài đề nghị Cường Để làm vua năm 1907 là lúc ông Bài đang nằm trong tổ chức chống Pháp do Cường Để đứng đầu.
Tuy chỉ âm thầm chống Pháp nhưng những hành động của Nguyễn Hữu Bài luôn luôn chứng tỏ ông là người hết lòng vì quốc gia dân tộc: Đó là năm 1907 Pháp quyết định phế bỏ vua Thành Thái vì nhà vua có nhiều biểu hiện chống Pháp thì Nguyễn Hữu Bài đề nghị đưa Cường Để lên ngôi thay Thành Thái trong khi ông thừa biết Cường Để đang cầm đầu một tổ chức chống Pháp.
Sau khi Pháp không chấp thuận thì ông đề nghị đưa Hàm Nghi về lên ngôi trong khi ông và mọi người thừa biết Hàm Nghi là một vị vua từng tấn công và kháng chiến chống Pháp, đang bị lưu đày tại Phi Châu. Làm việc này kể như ông vận động phục hồi danh dự và quyền lực cho vua Hàm Nghi.
Đến khi người Pháp không chịu thì ông đề nghị Duy Tân là con ruột của Thành Thái, tuy còn nhỏ nhưng đã có biểu hiện của một người thông minh và có chí khí. Quả đúng như vậy, khi vừa lên ngôi thì nhà vua mới 7 tuổi đã lấy Đế hiệu là Duy Tân, một cái tên trùng với tên một tổ chức chống Pháp của các nhà ái quốc Việt Nam, mà cái tên này thì ông Nguyễn Hữu Bài không lạ gì vì ông đang nằm trong tổ chức đó. Đến năm 16 tuổi, năm 1916, vua Duy Tân cùng với các nhà ái quốc Việt Nam âm mưu nổi dậy chống lại quân Pháp nhưng bị thất bại và bị đày đi Phi Châu thì một lần nữa Nguyễn Hữu Bài đề nghị đưa Vua Hàm Nghi trở về làm vua.
Từ trước tới sau các hành động của Nguyễn Hữu Bài đều ghi dấu tinh thần ái quốc của ông; thế nhưng sử gia Vũ Ngự Chiêu đã ghi lại các hành động của ông Bài bằng thủ thuật ngắt đoạn, chặt khúc và không sắp đặt theo thứ tự thời gian khiến người không am tường về lịch sử Việt Nam sẽ chẳng hiểu gì cả, sử gia viết: “Năm 1907, và rồi 1916, Bài hai lần đề nghị đưa Hàm Nghi về Huế cầm quyền, coi đó là một kế hoạch chính trị cao. Không thành công, Bài chấp nhận những kế hoạch chính trị thấp, tức đưa Duy Tân và rồi Khải Định lên ngôi”.( Chính Đạo, Hồ Chí Minh, Con Người Và Huyền Thoại, tập 2, trang 56).
Với cách viết như thế này người ta chẳng thể nào hiểu được vì sao ông Bài lại đề nghị như vậy và những người được ông đề nghị như thế nào? Năm 1907 và năm 1916 có chuyện gì xảy ra? Người ta cứ tưởng là ông Bài đề nghị cho các nhân vật tầm thường trong các dịp bình thường.
Sau khi Nguyễn Hữu Bài về hưu, tinh thần của ông vẫn còn truyền đến người kế tục là Ngô Đình Diệm. Năm 1933 Bảo Đại đề cử Ngô Đình Diệm làm thượng thư bộ Lại kiêm Tổng thư ký Hội đồng Canh tân là một hội đồng gồm các quan Thượng thư Việt Nam và các quan cao cấp của Pháp. Sau đó Ngô Đình Diệm gởi cho Khâm sứ Pháp một kế hoạch canh tân được Vũ Ngự Chiêu ghi lại như sau:
“Diệm, có lẽ do ảnh hưởng của Bài, đưa ra 2 điều kiện: Phải thống nhất Bắc và Trung Kỳ; tái bổ nhiệm một Tổng trú sứ cho Bắc và Trung Kỳ như đã quy định trong Hòa ước 6/6/1884; và cho Viện Dân biểu quyền thảo luận. Đề nghị này giống hệt kế hoạch của Bài: Muốn cải cách, việc đầu tiên phải hủy bỏ chức Thống sứ Hà Nội và Khâm sứ Huế (tức tái sát nhập Bắc Kỳ vào An Nam) sau đó cho An Nam ngân sách riêng. Nói cách khác, phải trở lại hiệp ước 6/6/1884” (Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, trang 21).
Đây là một đòi hỏi giành lại quyền lực từ trong tay người Pháp. Một đòi hỏi chính đáng và thông minh. Thế nhưng sử gia Vũ Ngự Chiêu lại kết án là Nguyễn Hữu Bài đã xúi dại vua Duy Tân khiến cho nhà vua phải bị đi đày, sử gia viết: “Nói cách khác, phải trở lại hiệp ước 6/6/1884 – đòi hỏi mà Bài đã gieo xuống đầu óc thơ dại của vua Duy Tân từ năm 1915-1916, đưa đến việc vua bị truất phế rồi đầy qua Réunion” ( Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, trang 21 và 22).
Sử gia muốn cho mọi người đinh ninh rằng Nguyễn Hữu Bài đã xúi dại vua Duy Tân và nhà vua đã nông nỗi nghe theo cho nên cuối cùng phải nhận lãnh hậu quả tai hại là bị mất ngôi và bị đày đi Phi Châu. Tuy nhiên so lại với lịch sử thì vua Duy Tân bị mất ngôi vì mưu toan đảo chánh người Pháp bị bại lộ chứ đâu phải vì yêu sách của ông Bài. Còn về phần yêu sách của ông Bài thì người Pháp đâu có chấp nhận, vì nó thiệt hại quan trọng cho quyền lợi của chính phủ thực dân. Vậy là ông Bài đã xúi khôn vua Duy Tân chứ đâu phải xúi dại ?
Trước sau Vũ Ngự Chiêu vẫn tìm mọi cách bôi đen Nguyễn Hữu Bài. Tuy nhiên có đôi khi Vũ Ngự Chiêu vẫn giấu đầu hở đuôi, thí dụ như khi ông cố chứng minh rằng Nguyễn Hữu Bài là tay sai của Vatican thì ông lại phải trưng ra bằng cớ Nguyễn Hữu Bài là một trong các quan lại của triều đình Huế bí mật tham gia tổ chức chống Pháp và luôn luôn có những đề nghị phản lại quyền lợi của Pháp.
Và khi cố chứng minh sự tàn bạo của Cọng sản trong phong trào Xô viết Nghệ Tỉnh năm 1930 thì sử gia lại phải công nhận ông Bài chỉ ra tay ổn định tình hình bằng chính sách chiêu hồi, cung cấp thực phẩm cho những người Cọng sản chịu đầu hàng và mở cuộc cầu siêu cho những nạn nhân bị chết oan. Hành động áp dụng lễ cầu siêu của Phật Giáo như là một chính sách chính trị chứng tỏ Nguyễn Hữu Bài rất tôn trọng tín ngưỡng Phật Giáo của dân tộc Việt Nam và điều này cũng chứng tỏ ông không phải là một tay sai của Vatican và hành động theo lệnh của Vatican như sử gia Vũ Ngự Chiêu mô tả.
Ngoài ra khi muốn chứng tỏ Ngô Đình Diệm bị Pháp hắt hủi,Vũ Ngự Chiêu lại đưa ra bằng chứng là Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ đã bị Toàn quyền Pasquier truất hết chức tước khi các ông này âm mưu vận động lật đổ toàn quyền Pasquier. Vô tình sử gia lại đề cao Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm.
Sử gia Vũ Ngự Chiêu và nhà họ Ngô :
Ngoài Nguyễn Hữu Bài là cha đỡ đầu của Ngô Đình Diệm, cha ruột của Ngô Đình Diệm cũng bị sử gia làm cho biến dạng từ một ông quan có tinh thần ái quốc trở thành một tên tay sai bịp bợm. Vũ Ngự Chiêu viết về tiểu sử Ngô Đình Khả như sau:
“ 6/1895: Theo Nguyễn Thân đánh dẹp tổ chức Văn Thân của Phan Đình Phùng ở vùng Hà Tĩnh/ Nghệ An. 12/1895 Ngự sử Phùng chết bệnh, đào mộ Phùng, đốt xác, trộn tro vào thuốc súng mà bắn đi. 2/1896, khải hoàn, được phong Thái Thường Tự Khanh (Chánh Tam Phẩm), giữ chức Thương biện Viện Cơ Mật (Aix, GG;5921)” (Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí, trang 306).
Đọc qua đoạn văn này ai cũng tưởng là chính Ngô Đình Khả đào mả Phan Đình Phùng rồi lấy tro xương trộn với thuốc súng mà bắn đi, và vì thành tích này mà được làm quan lớn trong triều. Để cho thêm tính thuyết phục, sử gia còn ghi chú là ông lấy từ tài liệu số GG,5921 của Văn khố Quốc gia Pháp.
Tuy nhiên nếu giở tài liệu số GG.5921 thì thấy đó là một văn thư của Khâm sứ Pháp tại Huế đề cử ông Ngô Đình Khả giữ chức Giám Đốc trường Quốc Học Huế mới mở vào năm 1896, đây là trường đầu tiên dạy theo lối Tân học. Khâm sứ Pháp nói rõ sở dĩ ông đề cử ông Khả vì ông ta là một người đứng tuổi, đạo đức, hiểu biết rộng và có khả năng quyết đoán.
Ngoài ra, về thành tích của ông Khả thì trong văn thư cho biết ông ta đã được triều đình Huế tưởng thưởng phẩm hàm Thái Thường Tự Khanh trong dịp ông ta làm thông ngôn cho Nguyễn Thân trong cuộc ổn định an ninh.
Để tìm hiểu thêm về cuộc ổn định an ninh của Nguyễn Thân, người ta lục trong Văn khố Pháp thì thấy có một báo cáo của Khâm sứ Pháp năm 1896 nói rằng Nguyễn Thân đã dẹp được Phan Đình Phùng rồi đốt xác ông Phan và trộn tro xương với thuốc súng bắn đi, chuyện này không dính dáng gì tới ông thông ngôn Ngô Đình Khả.
Ngoài ra, cho tới tháng 11 năm 1896, khi được đề cử giử chức giám đốc trường Quốc Học ông Khả vẫn còn làm công việc của một Thông ngôn chính ngạch, chứng tỏ chức việc của ông không có gì thay đổi sau vụ Nguyễn Thân đánh dẹp Phan Đình Phùng. Sau khi được ban phẩm hàm Thái Thường Tự khanh ông Khả vẫn làm việc trong Cơ mật viện với chức Thương biện tức là còn nhỏ hơn chức Tri huyện. Sở dĩ ông Khả bước vào nghề làm thông ngôn vì thuở nhỏ ông theo học trường dòng. Đến tuổi thiếu niên ông được gởi đi học trường dòng tại Singapore nhưng sau đó ông ra khỏi dòng và ra đời làm việc thông ngôn nhờ vốn liếng tiếng Pháp học được khi ở trong nhà dòng.
Như vậy là sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu đã lợi dụng văn thư đề cử ông Khả làm Giám đốc một trường học để biến thành sử liệu chứng minh Ngô Đình Khả làm nhục xác chết của Phan Đình Phùng. Ngoài ra cũng không thể nói rằng sử gia vô tình viết lộn vì trong một tác phẩm khác của ông, ông vẫn dùng lối văn lập lờ đánh lận con đen đó, ông viết: “Khả cũng tham dự chiến dịch đánh phá phong trào kháng pháp tại Hà Tĩnh, Quảng Bình của Ngự Sử Phan Đình Phùng (1847-1895) trong hai năm 1895-1896, và được đặc cách lên Thái thường tự khanh (Chánh tam phẩm) năm 1896, sau khi hài cốt ngự sử Phùng bị đốt thành tro ném xuống sông Lam theo lối trừng phạt truyền thống”.( Chính Đạo Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, trang 18).
Ai đọc đoạn văn này cũng đều nghĩ rằng ông Khả được thăng chức là nhờ lập công đào mả Phan Đình Phùng rồi đốt cốt quăng xuống sông. Nếu có ai đó trách Vũ Ngự Chiêu là tại sao vu oan cho ông Khả trong vụ làm nhục xác chết của Phan Đình Phùng thì ông sẽ mời người đó xem lại, ông nói ông Nguyễn Thân làm chứ đâu có nói ông Khả làm, ông chỉ nói Khả đi theo Thân và Thân làm nhưng ông không thích viết rõ ra mà thôi; ông viết như vậy đó, còn ai hiểu sao thì tùy theo trí thông minh của người đó.
Tất cả chỉ vì muốn bôi đen Ngô Đình Diệm mà Vũ Ngự Chiêu đã bôi đen luôn cha ruột, cha đỡ đầu và cả dòng họ Ngô Đình Diệm. Tà ý của sử gia được bộc lộ rõ rệt khi ông ta viết câu kết thúc cho tác phẩm Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng:“Hai viên đạn bắn vào gáy hai anh em Diệm-Nhu, cuộc hành hình Cẩn vào tháng 5 / 1964, hay cảnh chết già trong điên loạn, bị rút phép thông công của Tổng Giám mục Thục hai mươi năm sau ở Missouri – Dù có khiến trạnh lòng trắc ẩn của người Việt, một dân tộc đầy lòng độ lượng và khoan hồng – Nhưng chính thực là những bản án xứng đáng cho tộibội phản và âm mưu bội phản của họ Ngô” (Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, trang 383).
Một viên đạn bắn vào gáy là hình thức thanh toán các thành viên phạm tội phản bội trong các tổ chức điệp vụ hay trong các tổ chức băng đảng. Tiểu thuyết gia Vũ Ngự Chiêu đã cố dùng tài viết văn để hướng người đọc nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm làm gián điệp nhưng bị thanh toán do ông phản lại tổ chức.
Tuy nhiên giấu đầu lòi đuôi, cũng chính Vũ Ngự Chiêu đã nói về cái chết thực sự của ông Diệm như sau: “Theo lời Đôn, năm 1967, Quan tiết lộ chính Nghĩa dùng tiểu liên bắn xả vào anh em Diệm trong thùng thiết vận xa; Nhung dùng dao găm bồi thêm cho chắc. Tướng Nguyễn Chánh Thi cũng cho rằng Nghĩa giết Diệm (Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí, trang 305).
Ngoài ra sử gia cho rằng ông Ngô Đình Thục chết trong điên loạn và trong tình trạng bị giáo hội Thiên Chúa rút phép thông công nhưng sử gia quên rằng chính ông đã viết trong Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí: “1984: Chết già ở tu viện Missuri, sau khi đã trở lại với hội thánh” (trang 315). Rõ ràng Vũ Ngự Chiêu biết rõ ông Diệm và ông Nhu không chết vì hai viên đạn sau gáy và ông Thục không chết trong khi bị rút phép thông công.
Đọc hết tác phầm “Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng” mới thấy sử gia phân tích tội bội phản mà sử gia cố tình viết chữ đậm, là tội ông Ngô Đình Diệm đã làm quan cho Triều đình Huế trong thời Pháp thuộc rồi lại phản bội nước Pháp mà truất phế vua Bảo Đại, chấm dứt sự liên hệ giữa Pháp và Việt Nam…!
Nhưng sự thực thì ông Diệm chưa bao giờ hứa điều gì với Pháp cả, trái lại ông luôn luôn đòi hỏi Pháp trả lại chủ quyền của đất nước và thậm chí từ bỏ bổng lộc chức tước của người Pháp; giữa ông Diệm và Pháp chỉ có là đối thủ của nhau chứ chưa bao giờ có tình nghĩa với nhau.
Đối với ông Bảo Đại thì lại càng không có một tình nghĩa nào giữa hai người; hồi ký của Bảo Đại cho thấy rõ một điều là Bảo Đại thuê ông Ngô Đình Diệm làm chủ tịch Hội đồng Canh tân với mức lương Thượng thư Bộ Lại, ông Diệm đã nhận trách nhiệm này nhưng sau đó ông thấy không thể thực sự làm được việc đó nếu người Pháp không trao trả quyền hành cho người Việt Nam cho nên cuối cùng ông đã trả lại công việc cho Bảo Đại. Chính ngay trong lá đơn từ chức gởi cho Bảo Đại và thông báo cho Khâm sứ Pháp, ông Diệm đã gióng lên tiếng chuông tranh đấu cho chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Dầu muốn dầu không người Pháp cũng hiểu được tiếng chuông này, Bảo Đại cũng nghe được tiếng chuông này và sĩ phu trong nước đã truyền cho nhau tiếng chuông này.
Đến năm 1954, một lần nữa Bảo Đại mời ông nhận chức Thủ tướng thì ông đã nhận nhưng hồi ký của Bảo Đại nhắc lại nguyên văn câu thề hứa của Ngô Đình Diệm đối với Bảo Đại: “Ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn Cọng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa” (Con Rồng Việt Nam, trang 515). Sau này quả nhiên ông Diệm đã chấm dứt với người Pháp, thế thì ông làm đúng lời thề hứa chứ không phản bội lời thề hứa.
Ngoài ra, Vũ Ngự Chiêu cho rằng Ngô Đình Diệm còn có một lời thề hứa khác: “Bảo Đại bắt Diệm phải tuyên hứa mãi mãi trung thành và bảo vệ cơ nghiệp nhà Nguyễn. Việc này có ít nhiều liên hệ đến cuộc thăm viếng Bảo Đại của Ngoại trưởng Foster Dulles trước đó ít lâu” ( Chính Đạo,Việt Nam Niên Biểu Nhân Vật Chí, trang 271). Không hiểu do đâu mà sử gia Vũ Ngự Chiêu biết được có lời thề hứa này, không thấy sử gia ghi xuất xứ.
Cũng không thấy sử gia giải thích vì sao việc thề hứa của Ngô Đình Diệm lại liên quan đến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dulles? Nếu lời tuyên hứa bảo vệ nhà Nguyễn là có thật thì Ngô Đình Diệm có thể bị kết tội là phản bội lời thề; tuy nhiên không ai tìm ra ở đâu có lời thề này ngoài sử liệu của Vũ Ngự Chiêu. Còn chính ngay Bảo Đại thì không thấy ông nói với ai về lời thề này. Nếu lời thề này là có thật thì Bảo Đại không có lý do gì để phải che giấu cho kẻ đã hạ bệ ông ta.
Nhưng như vậy thì ngược lại, nếu thực sự lời thề hứa đó là không có, thì chính sử gia Vũ Ngự Chiêu đã dựng lên một lời thề không có thật và kết án Ngô Đình Diệm về một cái tội do chính Vũ Ngự Chiêu dựng lên.
Trong tác phẩm “Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng”, trang 163, Vũ Ngự Chiêu đã trích tài liệu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ấn hành:
“Ngày 27/7, La Chambre (Tổng trưởng Các Quốc gia Liên kết của Pháp) nói với Đại sứ Dillon là cần loại dần Bảo Đại để thành lập một chế độ Cọng hòa ở Miền Nam. Ngày 30/7, La Chambre giải thích thêm rằng hiện Bảo Đại vẫn còn chỗ dụng, sẽ loại khi thời cơ đến. Dịp cuối tuần, 31/7-1/8-1954, La Chambre từ chối tiếp kiến Bảo Đại. Ngày 31/8, khi Bảo Đại sai Nguyễn Đệ đến gặp La Chambre và Ely đề nghị cho hồi hương (vào ngày 2/9), Ely khuyên Bảo Đại đừng nên về nước , và thêm rằng bất cứ ai do Bảo Đại đề cử đều bị “nhiểm độc vì long ân của Bảo Đại”, sẽ chẳng làm được gì hữu ích. Ngày 25/9, khi gặp Thứ trưởng Smith (Hoa Kỳ) tại Oat-shinh-tân, La Chambre lại nói có thể loại bỏ Bảo Đại vĩnh viễn qua cách bầu cử Quốc hội. Smith đồng ý”.
Qua đoạn trích dẫn tài liệu này, chứng tỏ Vũ Ngự Chiêu hiểu rõ ai là người chấm dứt ngôi vua của triều Nguyễn, thế nhưng trong trang cuối của tác phẩm, Vũ Ngự Chiêu vẫn đổ tội cho Ngô Đình Diệm.
Còn tội âm mưu phản bội mà sử gia Vũ Ngự Chiêu nêu lên là tội Ngô Đình Diệm đã toan tính bắt tay hiệp thương với Bắc Việt khi ông bị Hoa Kỳ gây sức ép bắt ông ta phải triệt để tuân theo chỉ thị của Hoa Thịnh Đốn. Sử gia Vũ Ngự Chiêu đã trưng ra các tài liệu mật của Hoa Thịnh Đốn mới được giải mã cho thấy Ngô Đình Diệm đã đưa ra chiêu bài hiệp thương với Bắc Việt để giải tỏa áp lực của Hoa Thịnh Đốn khi Hoa Thịnh Đốn đòi can thiệp sâu vào nội tình VNCH đến nỗi cuối cùng họ tuyên bố nếu không nghe họ sẽ cúp viện trợ.
Để đối lại ông Diệm đã lật ngữa lá bài của ông là nếu Mỹ cúp viện trợ thì ông sẽ quay ra hiệp thương buôn bán với Bắc Việt và nếu Bắc Việt có nuốt luôn Miền Nam Việt Nam đi nữa thì Mỹ thiệt chứ ông không thiệt. Tuy nhá cho Mỹ thấy như vậy nhưng trên thực tế ông cũng tiến hành sẵn sàng làm thực nếu như Mỹ ép ông quá. Sau khi đưa ra các bằng chứng trên, Vũ Ngự Chiêu kết luận là rõ ràng Ngô Đình Diệm âm mưu phản bội người Mỹ. Và ông ta đã bị đền tội vì âm mưu đó.
Đó là sử gia kết tội trên quan điểm của người Mỹ chứ không phải là trên quan điểm của người Việt Nam hay trên quan điểm của một người đứng ngoài. Mọi người đứng ngoài đều thấy rõ là ông Ngô Đình Diệm đã công khai trả giá với người Mỹ chứ không phải là một âm mưu. Ông gián tiếp tuyên bố rằng thà nhân dân Việt Nam chết dưới bàn tay tàn bạo của chế độ Cọng sản còn hơn là chết vì làm tay sai cho Mỹ trong công cuộc chống lại chủ nghĩa Cọng sản trên toàn thế giới.
Ông muốn người Mỹ phải theo người Việt Nam để chống lại CSVN chứ ông không muốn người Việt Nam đánh giết CSVN để lấy viện trợ của Mỹ. Rõ ràng chuyện người Việt Nam chống lại Cọng sản là đã có từ trước, từ năm 1948; mãi đến năm 1954 người Mỹ mới nhảy vào giúp dân Việt Nam chống cộng. Vậy cuộc chiến tranh giữa Mỹ và CSVN xảy ra là do Mỹ giúp dân Việt Nam chứ không phải Mỹ thuê dân Việt Nam đánh Cọng sản trên toàn thế giới. Bằng chứng là quân đội Miền Nam Việt Nam chưa bao giờ bắn giết quân Cọng sản Khờ Me Đỏ hay quân Cọng sản Pathet Lào, khác với quân đội CSVN đã nghe theo chỉ thị của Mao Trạch Đông mà đánh sang Lào và Căm Bốt.
Ngoài ra, một khi người chiến sĩ VNCH nằm xuống thì gia đình anh ta không lấy một đồng bồi thường nào của Mỹ mặc dầu mạng sống con người là vô giá. Gia đình người lính tử trận chỉ nhận một số tiền đủ để chôn cất bởi vì bản thân người lính đã tự nguyện ra chiến trường là để bảo vệ sự an bình của nhân dân Miền Nam Việt Nam, họ đã mặc nhiên thừa nhận với gia đình là nếu họ có nằm xuống thì đó là họ đã hiến thân cho đất nước, chứ người lính Việt Nam Cọng Hòa không có ký một hợp đồng đánh thuê cho ai cả.
Và không có một thế lực nào trên trái đất này có thể bắt buộc được toàn thể thanh niên Việt Nam phải đem mạng sống của mình ra đánh thuê cho ai đó. Ngày nay các văn kiện mật của Quốc gia Hoa Kỳ đã chứng thực được rằng ông Ngô Đình Diệm đã công khai buộc Mỹ phải giữ đúng vị trí của họ đối với dân tộc Việt Nam chứ không phải là ông Diệm âm mưu phản bội Mỹ.
Riêng về sử gia Vũ Ngự Chiêu
Nhiều sử gia quốc tế nghiên cứu về Hồ Chí Minh và chiến tranh Việt Nam luôn luôn phải nhờ vào tài liệu của các cơ quan tuyên huấn của CSVN, họ muốn đối chiếu với tài liệu của các sử gia Việt Nam khác không phải là tuyên huấn CSVN, họ đã tìm đến Tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu, nhưng cái lối nghiên cứu của Vũ Ngự Chiêu khiến họ thất vọng.
Hơn nữa, trong các tác phẩm của mình, Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu luôn luôn có đôi dòng tri ân các giáo sư đại học Hoa Kỳ đã hướng dẫn ông cũng như tri ân các tổ chức tài trợ của Hoa Kỳ đã giúp đỡ cho ông về phần tài chánh trong các cuộc nghiên cứu, nhất là tổ chức cấp Học bổng Fulbright.
Sự tri ân này khiến cho các sử gia quốc tế đánh giá là các tài liệu do tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu công bố đã bị ảnh hưởng hoặc làm theo đơn đặt hàng của các tổ chức đã bỏ tiền ra. Đặc biệt cơ quan cấp Học bổng Fulbright là một tổ chức có khuynh hướng muốn bôi đen các nhân vật lãnh đạo của Việt Nam Cọng Hòa, hướng dư luận quần chúng Việt Nam tin rằng Mỹ bỏ rơi Việt Nam chỉ vì chính phủ và nhân dân Miền Nam Việt Nam quá tệ.
Đặc biệt Vũ Ngự Chiêu đã xây dựng một lập thuyết rằng Hồ Chí Minh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đều là những con cờ trong tay các thế lực quốc tế như Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Thế nhưng con cờ Hồ Chí Minh trong tay Liên Xô quá ranh ma quỉ quyệt trong khi những con cờ trong tay Mỹ như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều quá dở cho nên Mỹ phải thua trong ván cờ này.
Rồi liên kết những cái dở giống nhau của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu; Vũ Ngự Chiêu thấy rằng có sự trùng hợp là 3 ông đều là người Công giáo cho nên Vũ Ngự Chiêu đưa ra một lập thuyết rằng cả ba đều là tay sai của Tòa Thánh Vatican và ông cố chứng minh rằng Vatican mới là đạo diễn chính từ đầu tới cuối của cuộc chiến huynh đệ tương tàn tại Việt Nam.
Cuối cùng, năm 2004 Vũ Ngự Chiêu cho xuất bản cuốn sách “Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng”, mới đọc qua tựa đề của cuốn sách người ta nghĩ rằng tác giả đánh giá cuộc đấu tranh chống Cộng của dân tộc Việt Nam là một cuộc đấu tranh thần thánh, nhưng khi đọc nội dung cuốn sách mới thấy rằng Vũ Ngự Chiêu đã gán cho công cuộc đấu tranh chống Cộng của dân tộc Việt Nam thực chất chỉ là chiến đấu cho Tòa Thánh La Mã. Chữ “Thánh Chiến” mà ông dùng có nghĩa là một cuộc chiến đấu cho tôn giáo Thiên Chúa giáo. Giọng điệu trong cuốn sách cũng dùng lối đặt nghi vấn hay dùng lời văn chưởi khéo hầu hướng dẫn dư luận đi tới chỗ chấp nhận rằng cuộc chiến Việt Nam chỉ là một trò chơi của Vatican.
Thí dụ như ông viết trong trang 352-353: “Giáo hoàng John XXIII…cũng ít nhiều tiếp tay anh em Diệm, Nhu trong việc “ve vãn” Cọng sản này… Từ năm 1962, John XXIII bắt đầu rời vị thế “thánh chiến chống cộng”, tìm cách hòa hoãn với Liên Sô Nga và Đông Âu… Vì thế họ có thể khuyến khích Nhu mở đường dây đối thoại với Hà Nội…”.
Sử gia Vũ Ngự Chiêu đã đưa ra hình ảnh Đức Giáo hoàng tìm cách hòa hoãn với Liên Xô và ông đưa tới kết luận là “vì thế họ có thể” chỉ đạo cho Ngô Đình Diệm bắt tay với Hồ Chí Minh. Nếu có ai trách sử gia vì sao lại buộc tội Giáo hoàng như vậy thì ông nói rằng đây chỉ là “có thể” nghĩa là một giả thuyết mà thôi.
Sau khi quyển sách được phát hành, Vũ Ngự Chiêu xác nhận một lần nữa trên báo Người Việt, phát hành ngày 20-5-2004: “Sau ba mươi năm nghiên cứu sử học, những tư liệu lịch sử giúp tôi chứng thực được những điều mình chỉ cảm nhận ngày nào. Suốt hơn 40 năm dài, người Việt cả hai phe, đã bị biến thành con chốt qua sông trong cuộc “thánh chiến” giữa đảng Cọng sản Việt Nam và giáo hội Ki Tô” (sic).
Ngoài ra Vũ Ngự Chiêu còn trưng dụng cả những tiểu thuyết rẻ tiền rồi trích dẫn như là chứng cứ quan trọng ngang với tài liệu của các sử gia quốc tế. Hoặc ông luôn luôn dẫn chứng bằng cách nói trống không là “có một nguồn tin cho rằng…” hay “ theo một nhân chứng kể lại thì…” mà không nói rõ nguồn tin đó từ đâu hay là nhân chứng đó là ai.
Ví dụ như trong tác phẩm Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, trang 19, sử gia Vũ Ngự chiêu có viết về tiểu sử của Ngô Đình Diệm: “Một số nhân chứng ghi nhận rằng Ngô Đình Diệm, khi làm tri phủ Hòa Đa (Bình Thuận), đã dùng đèn cầy (nến) đốt hậu môn tù nhân CS để lấy khẩu cung (14)”. Lần theo chú thích (14) ở cuối sách thì Vũ Ngự Chiêu cho biết ông lấy tài liệu từ sách của ông Trần Văn Giàu xuất bản tại Hà Nội năm 1964 và một sách khác xuất bản tại Sài Gòn năm 1964. Ngoài ra ông cũng khuyên người đọc xem thêm dẫn chứng trong 1 sách xuất bản tại Sài Gòn năm 1969 và một sách của Hoàng Trọng Miên xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1989.
Dĩ nhiên ngày nay không có ai tìm cho ra cả 3 quyển sách xuất bản trước năm 1975. Vả lại có tìm ra thì cũng không đáng tin cậy vì một quyển do Hà Nội xuất bản đương nhiên là phải phao vu cho Ngô Đình Diệm, hai quyển kia của những tác giả không ai biết gốc gác nhưng xuất bản vào thời điểm sau thời gian người ta hạ bệ chế độ Ngô Đình Diệm và đang tô vẽ cho chế độ của các tướng đảo chánh, nhất là Dương Văn Minh và Đỗ Mậu.
Người ta chỉ hy vọng vào một cuốn sách trích dẫn cuối cùng có thể tìm được là cuốn “Đệ Nhất phu nhân” của Hoàng Trọng Miên mà Vũ Ngự Chiêu ghi là xuất bản tại “Los Alamitos, Ca: 1989, tập I, trang 128-129”. Hầu hết những người đọc sách đều in trí, cho rằng đã có một cuốn sách xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1989 đã chứng thực rằng Ngô Đình Diệm đích thân dùng đèn cầy đốt hậu môn tù nhân để tra khảo.
Tuy nhiên nếu ai không tin và rồi chịu khó tìm ra được cuốn sách này thì đây không phải là một sách mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1989 mà là một sách sao chụp lại cuốn tiểu thuyết “Đệ nhất phu nhân” của Hoàng Trọng Miên, là một tiểu thuyết được viết đăng từng ngày trên nhật báo Quyết Tiến của chủ nhiệm Hồ Văn Đồng vào năm 1963-1964 với tựa đề là “Bà cố vấn”. Đến khi tiểu thuyết kết thúc mới xuất bản thành sách với tựa đề “Đệ nhất phu nhân”.
Suốt từ đầu tới cuối quyển tiểu thuyết chỉ là một chuyện tiếu lâm dựa trên sự kiện thời sự nhằm bêu rếu một chế độ vừa mới bị đánh đổ. Thí dụ như bà Trần Thị Lệ Xuân dùng thân xác của mình để làm chính trị trên giường ngủ. Mỗi khi bà ta muốn một người nào ủng hộ bà ta hoặc muốn một người nào thôi công kích bà ta thì ba ta chỉ cần sửa sang sắc đẹp cho thật kỹ rồi mời nhân vật đó vào dinh Độc Lập, và rồi thì tất cả mọi người, từ những ông tướng tới anh nhạc sĩ, tới anh nhà báo Hoa Kỳ và cả với ông đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là Nolthing cũng chỉ cần gặp bà ta một lần đầu trong dinh Độc Lập là đã leo lên giường với bà ta ngay lần đó và bị nhân viên của bà Lệ Xuân chụp hình đang làm tình với bà ta. Sau đó thì bà ta muốn gì được đó.
Cũng trong lần đầu tiên bà ta làm tình với Đại sứ Hoa Kỳ Nolthing tại phòng khách dinh Độc Lập thì bất ngờ Tổng thống Diệm đi công tác về bắt gặp, Tổng thống không dám nói gì nhưng sau đó kêu Ngô Đình Nhu đang đi săn ở Đà Lạt về giải quyết, ông Nhu về cho ông Diệm biết là bà ta làm như vậy là hy sinh thân xác để bảo vệ cho chiếc ghế Tổng thống của Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm nghe xong quá cảm động vội vàng “lạch bạch” chạy đi xin lỗi bà Lệ Xuân (Đệ nhất phu nhân, quyển 2, trang 118-119).
Còn về chi tiết Ngô Đình Diệm tra khảo tù chính trị thì trong Đệ nhất phu nhân, quyển 1, trang 128-129, tác giả cho diễn ra cảnh tòa án nhân dân tại Tuy Hòa năm 1945 đấu tố Ngô Đình Diệm, trong buổi đấu tố có một anh nông dân hỏi mọi người có biết lúc Ngô Đình Diệm làm quan thì ác như thế nào không, sau đó thì anh ta tả cảnh đốt nến nơi hậu môn tù nhân.
Tuy nhiên lời đấu tố này cho thấy không phải Ngô Đình Diệm đích thân đốt nến hay ra lệnh đốt nến, anh nông dân đó không phải là nạn nhân, cũng không phải là chính anh ta chứng kiến; mà chỉ là một lời tố bịa đặt vô tội vạ như thường xảy ra trong tất cả các cuộc đấu tố dưới chế độ Cọng sản. Với một tính cách tiểu thuyết như thế thì không thể nào trích dẫn như là một sử liệu trong một tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, thế mà sử gia Vũ Ngự Chiêu đã làm điều đó.
Không hiểu vì sao Vũ Ngự Chiêu lại mang danh nghĩa sử gia để làm công việc bôi nhọ lịch sử như vậy? Dĩ nhiên đã là con người thì không sao tránh khỏi thiên kiến, riêng các sử gia thì cố tránh nhưng cũng không thể nào hoàn toàn thoát khỏi quy luật đó, không nhiều thì ít. Tuy nhiên cố tình bóp méo sự thật, dựng chuyện không thành có, cố tình biến trắng thành đen thì không phải là sử gia nữa. Rất nhiều bằng chứng cho thấy Vũ Ngự Chiêu lợi dụng chức danh tiến sĩ sử học để bôi nhọ người khác nhưng vô tình ông đã bôi nhọ luôn lòng tự trọng và lương tâm chức nghiệp của chính ông.
Nhóm Giao Điểm
Ngoài việc soạn các tài liệu về lịch sử Việt Nam cho các thư viện của các trường đại học Hoa Kỳ, Vũ Ngự Chiêu còn là một cây viết chủ lực của một nhóm biên khảo lịch sử Việt Nam tại Hoa Kỳ mang tên là “Nhóm Giao Điểm”. Nhóm này cũng được tài trợ để soạn những tài liệu cố chứng minh rằng số phận bi thảm của dân tộc Việt Nam trong 100 năm qua là do bàn tay lông lá của Vatican. Tòa thánh La Mã đã chỉ đạo cho Pháp chiếm Việt Nam và xúc xiểm Mỹ theo đuổi chiến tranh Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của Vatican tại Việt Nam.
Nhóm Giao Điểm tìm tòi trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Thuộc địa Pháp và hồ sơ lưu trữ của Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp những bức thư mà các giáo sĩ đã gởi về cho chính phủ Pháp để chứng minh rằng các cố đạo đã làm gián điệp cho thực dân.
Tuy nhiên những cáo buộc của Nhóm Giao Điểm không có giá trị luật học bởi vì vào thời kỳ các đế quốc đi chiếm thuộc địa thì giai cấp Tăng lữ Thiên Chúa giáo thống trị các triều đình tại Châu Âu. Mỗi một lãnh tụ tôn giáo cũng là lãnh tụ chính trị ( thường là dân biểu Quốc hội hoặc là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một xứ sở khác ở hải ngoại), cho nên việc một vị linh mục gởi thư bàn việc chính trị với triều đình chẳng khác chi một vị dân biểu gởi thư cho chính phủ.
Hầu hết các triều đình thực dân đều coi các giáo sĩ tại các nước bản xứ là đại diện chính trị của triều đình và cũng là cố vấn chính trị cho triều đình về tình hình tại các địa phương xa xôi chưa có bang giao. Do đó các thư bàn chính trị của các giáo sĩ gởi cho các chính phủ Tây Phương không phải là các báo cáo điệp vụ mà có tính cách như các bản tường trình của một viên chức ngoại giao hoặc như bản tường trình của các đặc phái viên báo chí.
Với cái nhìn của một công dân trung thành với quốc gia của mình, họ cũng thường khuyên chính quyền nên chiếm lấy một địa phương nào đó một khi họ thấy có cơ hội. Các lời khuyên này công khai và không dính dáng gì đến Vatican. Dĩ nhiên cá biệt cũng có những giáo sĩ làm gián điệp ăn lương của các cơ quan tình báo của các chính phủ thực dân, nhưng những báo cáo gián điệp thì không hề được lưu trong hồ sơ của Bộ Hải ngoại hay trong hồ sơ của Hội Truyền giáo. Và Vatican hoàn toàn không chấp nhận việc các gián điệp đội lốt giáo sĩ.
Thế hệ thanh niên Việt Nam sau này muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam tại các thư viện đại học Hoa kỳ sẽ tìm thấy rất nhiều tài liệu của sử gia Vũ Ngự Chiêu và của nhóm Giao Điểm. Vô tình các thanh niên Việt sẽ dễ dàng chấp nhận rằng cuộc chiến Việt Nam chỉ là một thảm cảnh do Cọng sản Quốc Tế và Tòa Thánh La Mã gây ra chứ Hoa Kỳ chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ. Vì thấy rõ sự cố ý đó của Vũ Ngự Chiêu mà các sử gia quốc tế không để ý tới những công bố của ông mặc dầu hiện nay ông là người có công khó nhiều nhất trong việc truy tìm những gì đã xảy ra trong lịch sử cận đại củaViệt Nam.
Đôi lời của Bùi Anh Trinh
Năm 1996 tôi đến Hoa Kỳ, và tôi rất ngạc nhiên khi đọc được khắp nơi luận điệu vu cáo hạ cấp của Vũ Ngự Chiêu và nhóm Giao Điểm. Hậu quả là các cháu sinh viên học luật tại các trường đại học Hoa Kỳ đều phản ứng mạnh mẻ mỗi khi tôi lên tiếng bênh vực cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo những sách vở mà họ đọc được tại Hoa Kỳ thì ông Ngô Đình Diệm là một tay “sài không nổi”. Thậm chí một cháu gái đang học luật đã nhăn mặt chỉ vào hình Ngô Đình Diệm và nói với tôi : “cháu ghét ông này”, mặc dầu cháu sinh ra năm 1982.
Tôi không trách các cháu, nhưng tôi trách các nhà bình luận chính trị VNCH, nhất là các “đại bình luận gia Thiên Chúa giáo”: Những gì tôi viết trên đây không phải là “không thể nào thấy ra”. Vậy tại sao lại im lặng?
(copy từ Bùi Anh Trinh)