Tàn chiến cuộc
(Một bài viết hay của Nhà báo Thận Nhiên)
Thỉnh thoảng tôi đọc được những bài viết, thơ văn, nói về người lính trẻ, bộ đội, của miền Bắc là thương binh hay chết trận, nằm lại dưới những nấm mồ dọc theo dãy Trường Sơn hay những bụi bờ triền sông miền Tây, ở Cổ thành Quảng Trị, những chiến khu, chiến trường, từ vĩ tuyến 17 trở vào miền Nam. Đài phát thanh của chính quyền VNCH trước 1975 gọi họ là những người Sinh Bắc Tử Nam. Trong những bài thơ văn ấy, họ được ca ngợi và tiếc thương như những anh hùng, mà thật ra phần lớn chính họ không hiểu thấu đáo vì sao họ bị thương bị giết, sự tổn thương và cái chết của họ thật sự mang lại điều gì cho dân tộc. Họ có niềm tin rằng họ vào Nam để chống Mỹ cứu nước, để giải phóng miền Nam. Trong số đó, có những người là bà con bên nội và bên ngoại của gia đình tôi.
Tôi không nghĩ vậy.
Tôi thương tiếc, đau buồn vì sự tổn thương và cái chết trẻ của họ, nhưng tôi không thấy họ là những anh hùng. Tôi thấy họ là những nạn nhân. Là những người Việt giết lẫn nhau, và bị giết.
Họ là những nạn nhân cũng như những người lính miền Nam chống lại họ để tự vệ, mà bị họ giết. Những thanh niên miền Nam này thuộc về bên thua cuộc, và hẳn nhiên có số phận tủi nhục hơn họ nhiều.
Tất cả là nạn nhân của bọn hoạt đầu chính trị, bọn dúi tiểu liên Ak-47, hỏa tiễn B40 của ngoại bang vào tay họ, tuyên truyền những điều dối trá, rồi đẩy họ vượt vĩ tuyến 17, vào lò lửa để giết người. Giết những người đồng bào mà họ chưa từng gặp bao giờ, chưa từng biết bao giờ. Những người trẻ tuổi này, lẽ ra lúc ấy đang trong giảng đường đại học, đang trong công xưởng, đang dưới mái nhà êm ấm, đang trong vòng tay người yêu.
Cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, thời gian ấy đủ dài cho người bình thường, có lương tri, nhận thức được ý nghĩa tàn khốc của nó, là một cuộc chiến không nên có, không đáng có.
Những bài thơ văn ấy có thể chân thành, nhưng ngây ngô về nhận thức.
Ngoài khả năng dụng ngôn và sự mẫn cảm, thì văn thi sĩ hôm nay cần phải có một cái đầu tỉnh táo và con mắt ráo hoảnh để nhìn thẳng vào sự thật, nhận chân sự thật, để chấm dứt, để không tiếp tục những bài tụng ca đầy những tính từ màu mè, những cụm hoa giả, về những cuộc đời tàn phế thật, những tử thi rách nát, tàn rữa thật, nằm lạnh ở dưới mồ.
Hãy đau buồn, hãy tiếc thương, nhưng đừng véo von ca tụng nữa. Những oan hồn, đúng vậy, cái chết nào từ cuộc chiến tranh ấy cũng là cái chết oan, và không có cái chết oan khuất nào đáng được ca tụng. Trong ca khúc Mặc Niệm của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ thơ của nhà thơ Phạm Lê Phương, có câu “…xin cúi đầu thật thấp, xin âm thầm được khóc, những oan hồn bè bạn, những oan hồn kẻ thù…” để gọi những người chết đi trong cuộc chiến Bắc vs Nam, bất kể họ thuộc về phía nào.
Những người ấy dù còn sống hay đã chết oan khuất, đều không cần tôn vinh lần nữa, nhưng cần sự thật. Tổ quốc bị trọng thương, và kiệt sức, từ cuộc chiến ấy, cũng vậy, cũng cần sự thật. Và nhất là, những thế hệ tuổi trẻ hôm nay, họ cần biết sự thật của lịch sử đất nước mình.
THẬN NHIÊN
(ảnh từ Internet)