Trăng tuổi thơ
Quê hương mình rất lạ, nhạc thiếu nhi mùa Trung Thu đi vào huyền thoại lại toàn những bài buồn ngây ngất, nghe đến đâu thì lòng bồi hồi thê thiết đến đó, thật đẹp và thật huyền diệu.
Có lẽ ai cũng biết Thằng Cuội – khúc đồng dao về phận người Việt Nam nổi trôi thời loạn ly của nhạc sĩ đại tài Lê Thương. Còn một ca khúc thiếu nhi về mùa Trung Thu cũng khiến người nghe bồi hồi và nhói lòng, đó là Trăng Tuổi thơ của nhạc sĩ tài hoa tột bậc và cũng nặng lòng với quê hương tột cùng – Trầm Tử Thiêng. Có lẽ chẳng ai có thể viết cho con nít theo cách thế này:
“Trăng ơi trăng xuống đây chơi, trăng có nhớ xách theo lồng đèn? Trên trái đất có nơi lèm nhèm, tối lem nhem…
Trăng ơi trăng, Tết Trung Thu, trăng có nhớ đám nhi đồng nghèo bên mái lá vách rơm lèo nhèo sống leo nheo….”
Còn rất ít người còn nhớ đến hay biết ca khúc này, đêm Trung Thu hôm nay, tôi xin chia sẻ bản ghi âm trước 1975 của ca sĩ Khánh Ly, mời quý bạn hữu đi ngang nhà cùng thưởng thức.
….
Xin nhắc lại thêm một chút về Thằng Cuội của nhạc sỹ Lê Thương. Thật kỳ lạ, ca khúc này tuy dành cho trẻ con nhưng nội dung lại có một tầng nghĩa ẩn bên dưới dành cho người lớn, chất chứa nhiều nỗi niềm.
Ngay từ giai điệu mở đầu, nhạc sỹ Lê Thương đã dùng một nốt nhạc láy lên nhói vào lòng người nghe thứ cảm xúc kỳ lạ, mộng mị. Bài hát về tết trông trăng Trung Thu cho trẻ con mà như nói lên nỗi niềm ly hương, lưu vong biệt xứ của thân phận người Việt Nam vài thế kỷ qua.
Ca khúc rất trong sáng theo điệu trưởng nhưng tôi tin ắt hẳn nó đã khiến không ít người rơi lệ khi nghe. Có thể khi đó, ta nhớ về hoài niệm ấu thơ, có thể ta chợt đau đáu nỗi niềm tha hương của chính mình:
“Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…
Lặng nghe trăng gió bảo nhau:
“Chị kia quê quán ở đâu”?
Gió không có nhà…”
Có lẽ phải đi qua nhiều thăng trầm khổ đau, ta mới có thể nhìn về quá khứ và khóc cho một khúc đồng dao thơ bé. Rất nhiều người trong chúng ta phải ly hương vì mộng tưởng, vì miếng cơm manh áo. Từ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ anh em ly tán; người Việt từ thuở vào Nam mang gươm đi mở cõi, Đàng Trong Đàng Ngoài phân tranh; đến khi nội chiến Nam Bắc anh em tương tàn… biết bao người Việt phải tha hương bỏ xứ mà đi…
Nghe nhạc cũ mùa Trăng, nhất thiết phải có Thằng Cuội. Chút kỷ niệm, chút thanh âm xưa cũ với người thực dụng thì chỉ phẩy tay: “ôi dào, kỷ niệm có mài ra mà ăn được đâu”. Cũng có người phiêu bạt qua nhiều đỉnh trời, hạnh phúc khổ đau nào cũng từng kinh qua, thì ngộ ra kỷ niệm mới là những tài sản vô giá của đời người.
Một ca khúc bất hủ là ca khúc vừa cất lên đã như nằm trong tiềm thức người nghe. Nó ở đó mãi, đồng vọng qua nhiều kiếp người và thăng trầm lịch sử.
Thời đại thay đổi, vinh hoa đế chế nào cũng chết đi, nhưng bóng trăng trắng ngà sẽ chẳng bao giờ chết phải không các bạn?
(Bài viết của Nguyễn Hậu)