Tiếng Mẹ đẻ

Tiếng Mẹ đẻ
Tôi theo người mẹ vào một phòng khách sang trọng. Theo lời giới thiệu của một người bạn trước là học viên của tôi, bố mẹ em mời tôi làm gia sư cho em.
Em đứng lên bắt tay, chào tôi bằng tiếng Anh rất chuẩn. Mở một quyển trong bộ Get Set Go, tôi hỏi, em trả lời thật rõ ràng. Mẹ em hãnh diện khoe em học tại một trung tâm lớn. Năm nay em vào lớp 6, cần cho em luyện đặc biệt để có thể vào lớp tiếng Anh tăng cường. Xong phần kiểm tra, tôi hỏi em bằng tiếng Việt: “Em ăn cơm chưa?” – “Dạ, ăn “gồi”, ở nhà “oại”. Tôi sửng sốt: “Sao em phát âm kỳ vậy? Trong lớp cô giáo không sửa sao?”. Mẹ em đỡ lời: “Ôi, tiếng Việt mà, nhằm nhò gì”. Bố em thêm vào: “Tiếng Việt đâu có đào ra tiền”.
Tôi chợt nhớ năm thứ ba đại học, ông thầy tự hào có bằng tiến sĩ giáo dục tại Mỹ đã tuyên bố: “Tiếng Việt tôi không rành”. Chúng tôi đã bất mãn, sự kính trọng ông giảm đi hơn nửa.
Nhà văn Pháp Alphonse Daudet từng viết: “Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”. Một đất nước độc lập mà người dân luôn tôn sùng ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ sẽ về đâu?
Trở lại với cô học trò nhỏ của mình, tôi nói rõ từng chữ một: “Học với cô, em sẽ được luyện không chỉ tiếng Anh qua băng đĩa mà còn cả tiếng Việt nữa. Muốn giỏi bất cứ thứ tiếng nào cũng cần phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Phần luyện tiếng Việt này là trách nhiệm của cô, cô không đòi thêm thù lao đâu. Đồng ý chứ?”. Mắt em sáng ngời: “Dạ…”.
Tôi biết tất cả đều do người lớn…

(Nguyễn Ngọc Hà – TTO)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *