Hòa hợp – Hòa giải

Hòa hợp – Hòa giải

Bây giờ mà hỏi các bạn trẻ biết 20 tháng 7 là ngày gì không thì rất ít người biết, và nếu có biết thì cũng rất ít người nhớ, bởi đây là ngày đau thương của dân tộc, ngày đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève năm 1954. Sau cái năm bi thương ấy, đất nước chia làm hai miền: Miền Bắc theo phe các nước Cộng Sản, miền Nam theo phe các nước Tự Do. Nói đến Dân chủ thì cả hai miền ai cũng cho là mình có Dân chủ hết, bởi miền Bắc lấy tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà, miền Nam thì ko có từ Dân Chủ, chỉ có Việt Nam Cộng Hòa thôi, nhưng có Dân chủ hay không thì những ai sống qua hai chế độ rồi mới biết, tôi ko nói ra mà bên này lại xỉa xói bên kia, bởi dụng ý của tôi là muốn hòa hợp hòa giải cơ mà!

Hòa hợp hòa giải thì ai cũng muốn, bởi tôi có xem 1 clip video tôi ko nhớ tên, phỏng vấn TT Thiệu sau năm 1975, lúc ông sống lưu vong, ông cho rằng chế độ Việt Nam bây giờ có nhiều điều kiện phát triển hơn thời của ông vì đất nước đã thống nhất (đại khái là thế). Vâng, cái từ Thống Nhất nó thiêng liêng lắm, những ai đã trải qua thì mới thấm cái ngày này: 20/7/1954, hai miền Nam Bắc chia cắt bởi dòng sông Bến Hải, tuy rằng vẫn nối với nhau bằng chiếc cầu Hiền Lương, nhưng một nửa chiếc cầu là bên này, nửa chiếc bên kia, nghe nó đau lòng lắm. Bởi vậy, sau ngày thống nhất, khi cuộc sống tôi đã tạm qua cơn bỉ cực thì tôi liền làm một chuyến ra thăm cây cầu ấy đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhân tiện thăm anh bạn Lê Quang của tôi ở Gio Linh, và hối ảnh dẫn tôi ra thăm cây cầu lịch sử, nó vẫn thế như trên hình. Lúc ấy tôi chẳng có tí gì cảm xúc về bài hát Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về… tí nào, mà thấy nó lạnh lùng, cũ kỹ và thâm trầm như đất nước hôm nay. Trời rét đậm, tôi và anh bạn đứng yên ko nói gì, được một lúc rồi về. – Hiền Lương là thế sao? Chia cắt là thế này đây, vì cũng năm 1954 đó, lúc ấy tôi chưa chào đời, chỉ nghe ba mẹ và anh chị kể lại, hơn một triệu người bỏ quê cha đất tổ mà chạy vào Nam, tôi nghe kể lại thì một phần do Việt Minh thời ấy tàn bạo quá nên ai nấy lo tìm đường mà đi, gia đình tôi cũng nằm trong cảnh ấy, khi cha tôi vừa xây xong ngôi nhà khá lớn chưa kịp ở cũng bỏ đó mà đi, đơn giản là đi tìm Tự do.

Mạng lưới tuyên truyền thì bên nào cũng có, nhưng có một điều là bất cứ ai di cư từ Bắc vào Nam cũng gọi là đi tìm Tự do, nhưng những người từ Nam tập kết ra Bắc thì ko ai gọi thế, tôi cũng chẳng hiểu vì sao? Tự do ơi, trả lời cho tôi đi! chứ tuyên truyền thì cả hai phe Nam Bắc đều là bậc thầy!

Chưa cần nhắc tới những đổi thay năm 75 để tìm ra phương cách hòa hợp giữa thắng cuộc và thua cuộc, vì ngày nay nhiều bậc cao minh cũng đang phân vân và pó tay, tôi chỉ nhắc đến cuộc chia cắt năm 1954 thôi cũng đã là đắng lòng rồi. Hôm nọ tôi ra Hà Nội nói chuyện với bạn LTL, bạn ấy hơn tuổi con trai tôi đôi chút, nhưng là một nhà nghiên cứu Sử học khá công tâm, sau chầu cafe, tôi bảo là tôi cần phải về ghé thăm một người bác ở Hà Nội thì bạn ấy hỏi sao tôi lại có ông bác ở đây? Tôi trả lời tất nhiên là có chứ, có rất nhiều nữa là đằng khác, bởi cái ngày di cư 1954 đâu phải ai cũng đi hết, kẻ đi người ở lại là chuyện thường, kẻ đi thì chưa biết mảnh đất miền Nam ra sao? trù phú như thế nào? người ở lại thì vướng bận nhiều thứ, cha yếu, mẹ già, đất đai mồ mả ai trông nom? Do đó mà cái sự chia cắt đến ngậm ngùi này xảy ra ở hàng vạn gia đình, gia đình tôi cũng thế thôi… Và sau đó là cuộc Cải cách ruộng đất tàn nhẫn ở miền Bắc, theo như dì ruột tôi kể lại thì trong những ngày ấy, cái tính người trong con người nó trốn đi đâu cả, chỉ còn những sự thù hằn, giả trá và bỉ bôi theo chỉ đạo của ai đó khiến nghe kể lại cũng rùng mình, phim ảnh đã nhiều, sách báo kể cũng nhiều rồi, nhưng chưa cho người ta thực lòng bày tỏ mà nhận định một cách rõ ràng để làm kinh nghiệm cho một chặng đường lịch sử bi đát của đất nước. Ruộng đất chia đâu chẳng thấy mà bần cố nông vẫn là bần cố nông, chỉ cho một vài cá nhân cơ hội trục lợi vơ vét mà thôi, người chết oan ức nhiều vô kể. Số là dì tôi không di cư được, phải ở lại trông mồ trông mả nên dì tôi cũng bị đem ra đấu tố vì ông ngoại tôi là địa chủ, họ lôi dì tôi ra bắt quỳ rồi một người giúp việc cho ông ngoại tôi ra kể tội, cái tội mà ở đâu cũng bài bản đó, bởi ngày xưa ông ngoại tôi giữ chức Chánh Tổng, chắc cũng cỡ Chủ tịch xã ngày nay thôi nhưng ngày đó chức ấy cũng lắm quyền, có điều ông ngoại tôi theo Công giáo nên không dám làm càn, và cụ cũng biết mở rộng lòng cho những người đói rách như cụ ngày xưa, bởi nạn đói năm Ất Dậu 1945 có cả triệu người chết, may là năm đói thê thảm đó, thóc lúa trong nhà ông ngoại tôi cũng còn nên mẹ tôi kể là ngày nào cũng phải dậy sớm nấu cháo để phát cho dân đang đói đi thành từng đoàn, làng mẹ tôi người chết đói ko có, chỉ có các làng bên qua và chết như rạ. Và cũng bởi có khá nhiều người còn nhớ ông Tổng Hoằng khi xưa cứu đói như thế nào nên bênh vực, họ tha tội chết cho dì tôi, thằng giúp việc ấy được phép vả vào mặt dì tôi mấy cái để dằn mặt con của địa chủ rồi tha về. Thế đấy, đi tìm sự hòa hợp hòa giải nó khó khăn biết bao?

Kể ra để biết, để nhớ và cũng là để quên đi mà nhìn mặt nhau cho trọn, trong cuộc chiến không có người thắng cuộc đâu, chỉ có nỗi bi thương, chia ly và mất mát mà thôi. Biết nhìn vào nỗi đau, cắn răng mà băng bó lại để đất nước biết ngẩng đầu thì may ra tìm ra được sự hòa giải, còn nếu lấp liếm và bôi trơn bằng những mỹ từ cách mạng thì với thời đại 4.0 ngày nay, Internet như ngọn đèn soi rọi sự thật, tôi không kể thì cũng có hàng vạn người khác kể, để người cần nghe phải biết nghe, người cần thấy phải biết mở mắt ra mà nhìn, lúc ấy đất nước may ra mà đổi mới thực sự, sánh vai với láng giềng, chứ không mong gì với năm châu đâu. Như thế cũng đã là may lắm lắm rồi…

(hình Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải – copy từ Wikipedia)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *