Bước đầu vẽ truyện tranh

Bước đầu vẽ truyện tranh

Năm 1987 là năm đáng nhớ nhất của tôi, vì nó bắt đầu một chương mới trong cuộc đời, và thời cuộc bấy giờ cũng đang biến chuyển. Sau những khó khăn vì cơ chế quan liêu bao cấp và ngăn sông cấm chợ, đất nước muốn tàn mạt luôn, nên nhà cầm quyền họ phải đưa ra đường lối đổi mới sau đại hội đảng năm 1986, và từ đó kinh tế xã hội mới cởi mở hơn trước để mọi người làm ăn sinh sống. Khoảng giữa năm đó, nhân có dịp tôi về Mỹ Tho, tôi ghé ra nhà sách, vì tuy nghèo, nhưng tôi cũng luôn dành dụm mua sách về đọc, hôm đó tôi thấy trên quày một số truyện tranh của Duy Hải và những người khác, thì ra bây giờ đã đổi mới nên có thể phát hành các loại sách này. Tôi xem qua thì thấy mình có thể vẽ được, vốn liếng cốt truyện thì tôi có nhiều trong đầu rồi vì trước đây tôi đọc sách nhiều, thời trẻ xem phim cũng nhiều. Hồi tôi học lớp Chín tôi cũng thử vẽ truyện tranh Lucky Luke do tôi chế ra dài mấy chục trang rồi, do đó mà tôi mừng lắm, nghĩ rằng mình sẽ làm thử xem sao.

Và thế là khi về, ngoài công việc thường ngày ra như nấu rượu, nuôi heo, xay cá, tôi dành ra thời gian ra để vẽ truyện tranh. Tôi chọn truyện Đảo Châu Báu và bắt tay vào vẽ nó, truyện dài nhưng tôi chỉ gom lại thành một tập truyện tranh 32 trang mà thôi. Vì chưa nắm rõ kỹ thuật in nên tôi cứ vẽ bằng mực tàu trên giấy fort cả hai mặt như một cuốn truyện bình thường, khoảng gần một tháng thì vẽ xong, lúc ấy có chị kế của tôi lên thăm mẹ rồi ghé tôi chơi, tôi đưa cho chị coi và chị cũng ngạc nhiên lắm, bảo tôi gởi Nhà xuất bản xem sao, thế là qua hôm sau, tôi và chị lên Nhà xuất bản Đồng Nai và đưa vào cho họ xem. Biên tập của họ xem xong thì cười, bảo rằng tôi vẽ cũng coi được nhưng làm như vậy thì không đúng cách rồi, bởi bản vẽ phải thực hiện trên giấy can, là một loại giấy bóng mờ của kiến trúc, còn chữ thì phải viết bằng bút kim cho đều hơn, mỗi trang một bản chứ không phải vẽ hai mặt như tôi được, vả lại thời ấy truyện tranh thường chỉ gói gọn 16 trang khổ nhỏ mà thôi, do đó mà họ không nhận, trả về cho tôi vẽ lại. Lúc đó thay vì buồn thì tôi lại vui vì nhờ đó mà tôi đã biết kỹ thuật vẽ truyện rồi, truyện Đảo Châu Báu tôi không vẽ lại nữa vì rút gọn quá thì người đọc sẽ khó hiểu. Trong đầu tôi đã lên ý niệm là sẽ vẽ một truyện khác. Sau đó thì chị kế tôi về Mỹ Tho và tôi ghé Sài Gòn, ra đường Nguyễn Huệ mua được mấy mét giấy can và mực tàu chính hiệu cho đậm hơn rồi quay về Bình Ba.

Vài hôm sau thì chị tôi viết thư lên bảo chị có quen với một cô giáo trong trường, có đứa con tên là Hiếu cũng đang vẽ truyện tranh, chị hỏi thăm nó và nó bảo nếu có vẽ thì đem về Nhà xuất bản Tiền Giang thuận tiện hơn, vì Hiếu cũng là bạn của họa sĩ Duy Hải. Rất may cho chị là thời ấy chị có được gởi đi học lớp đào tạo nâng cao cho giáo viên Âm nhạc do Nhạc viện Thành phố về dạy, trong lớp chị có quen biết ông Năm Thương là Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Tiền Giang, chị nói tôi cứ vẽ đi rồi chị sẽ đưa về cho ông Năm Thương duyệt và in cho. Và thế là tôi bắt đầu thực hiện cuốn truyện đầu tay của mình: Người Đầu Tiên Lên Mặt Trăng – truyện phỏng theo nguyên tác của Walter Scott, tôi không có tư liệu mà chỉ nhớ lại vì năm 1972 tôi có xem phim đó chiếu ở rạp Định Tường. Tôi thực hiện bản vẽ theo đúng quy cách đã biết trong vòng hơn một tuần, nhưng chữ thì tôi vẫn viết bằng bút sắt chấm mực thôi vì tôi chưa đủ tiền mua bút kim, thời ấy một cây bút kim Rottring của Đức có giá đến gần 1 chỉ vàng lận, cho nên tôi tạm dùng bút sắt vậy, sau này có đủ tiền thì mới mua được.

Tôi về Mỹ Tho gởi cho chị nhờ chị giúp giùm rồi quay về, mãi đến hai tháng sau, tức là gần cuối năm thì mới nhận tin là đã được duyệt, nhưng nhà in phải nhờ Họa sĩ Duy Hải vẽ bìa lại, vì bìa chỉ in 4 màu thôi nên phải tách màu ra theo kiểu typo chứ không để bản vẽ màu nước của tôi được, vì nếu dùng bản vẽ màu nước tuy đẹp hơn nhưng sẽ tốn tiền chụp phim tách màu hơn. Tôi xuống Mỹ Tho tìm gặp Duy Hải và hỏi anh ấy cách tách màu typo làm sao để họ dễ in, Duy Hải chỉ cười mà không trả lời, sợ tôi ăn cắp nghề hay sao ấy. Tôi cũng cám ơn anh ấy và ra về, đến Công ty phát hành sách làm các thủ tục hợp đồng cho họ in rồi quay lại Bình Ba, mãi đến đầu năm 1988 thì cuốn truyện mới được in ra, chị tôi mang sách biếu lên và mang tiền nhuận bút lên cho tôi, sau khi trừ tiền Duy Hải vẽ bìa và tiền mua một xấp vải áo dài tặng chị Hoa, giám đốc Công ty phát hành sách đã có công giúp mình, tôi chỉ còn nhận được có 16 nghìn thôi, nhưng đó cũng là một số tiền lớn, vì một chỉ vàng lúc ấy khoảng tám chín chục nghìn tôi không nhớ rõ. Tôi và vợ tôi ôm nhau khóc vì thành quả đầu tiên rất đáng quý này. Và cũng kể từ đó, tôi bớt công việc xay cá mỗi chiều để dành thời gian cho vẽ, chúng tôi bán rẻ cái cối xay cho dượng Út nhà kế bên để dượng xay cá mỗi ngày thế chỗ của tôi.

Tuy họa sĩ Duy Hải không chỉ dẫn nhưng tôi nhìn qua là biết ngay kỹ thuật tách màu liền, thay vì chụp để tách màu tốn tiền thì mình tách màu bằng tay thành 4 bản trên giấy can, mỗi bản một màu, khi in chồng màu lên sẽ như ý muốn, do đó mà tôi bắt tay qua cuốn thứ hai: Vòng quanh thế giới 80 ngày, tôi thực hiện từ A tới Z mà không cần nhờ Duy Hải nữa. Tôi đem bản thảo xuống Mỹ Tho gởi cho chị đưa giùm, chị rất mừng vì có thể tôi sẽ theo được nghề này. Hai chị em đi ăn bún riêu để mừng cho thành quả đầu tiên, thời ấy vẫn còn gian khổ lắm nên đi ăn mà cứ xin thêm rau cho nhiều mới no được. Và cũng kể từ đó, tôi bắt đầu vẽ tiếp Thuyền trưởng 15 tuổi, Chiếc bẫy gấu… Cứ mỗi cuốn tôi vẽ mất hơn một tuần nhưng thời gian chờ đợi được in và nhận tiền nhuận bút hơi lâu nên thu nhập cũng khá hơn chút ít thôi chứ chưa ổn định được, vợ tôi vẫn tiếp tục buôn bán gạo và các thứ nhu yếu phẩm khác. Cuộc sống của gia đình tôi tuy không giàu có nhưng thoải mái hơn trước nhiều.

Nhờ cuốn thứ nhất thứ nhì nên tôi dễ dàng đi duyệt hơn, vì đã có tên tuổi in trên truyện nên Nhà xuất bản họ chắc ăn hơn là họa sĩ mới. Bấy giờ có lần về Mỹ Tho, tôi gặp anh Thiết là anh ruột của Phượng trong Ca đoàn Nữ Vương của tôi trước kia, anh Thiết nghe Hiếu nói là tôi đã xuất bản được mấy cuốn rồi thì mừng lắm, vì anh cũng đang làm sách, anh bỏ tiền ra in và phát hành nên có lời hơn và tiền nhuận bút cũng khá hơn, anh bảo tôi từ nay có vẽ thì cứ giao cho anh, anh trả tiền nhuận bút cho tôi cao hơn họ một chút, và thủ tục in ấn tất cả các thứ để anh lo tất, tôi chẳng phải bận tâm, chỉ việc giao bản thảo và nhận tiền thôi. Tôi thấy được quá nên bằng lòng ngay và từ giữa năm 1988 trở đi tôi chỉ việc ngồi vẽ truyện. Heo cũng đã bán và lúc ấy giá gạo tăng cao quá nên chúng tôi cũng dẹp nấu rượu luôn vì nấu không có lãi, vợ tôi chỉ thỉnh thoảng đi buôn thôi chứ hầu hết ở nhà lo cho gia đình vì con cái tôi cũng còn nhỏ quá.

Từ năm 1989 trở đi, tôi vẽ rất nhiều, có truyện in tới 36 nghìn bản khổ lớn như Hằng Nga Hậu Nghệ chẳng hạn, các truyện khác thông thường từ 20 nghìn bản trở lên, khổ nào tôi cũng vẽ, tất cả các đề tài như Phiêu lưu, viễn tưởng, thần thoại, cổ tích Tây cổ tích Tàu, truyện hài, dân gian… tôi đều đã kinh qua nên nhờ nhuận bút ấy mà tôi lo cho gia đình được. Bận rộn vì công việc mưu sinh nhưng cứ mỗi chiều là tôi lo kèm các con học, bởi mình đã dở dang việc học nên đặt hết tất cả hy vọng vào những đứa con học thay cho mình, mãi đến năm 1990 tôi mới dám mua một cây bút kim Rottring như mong ước với giá bằng mấy cuốn truyện, nhưng nhờ có nó mà công việc chạy hơn, nói chung vì tôi tiếc tiền thôi, tôi thấy bút sắt chấm mực cũng quen nên cứ thế mà làm, có điều sinh hoạt hồi ấy còn khó khăn quá, mỗi ngày chỉ có điện buổi sáng gần 2 tiếng và buổi tối gần 2 tiếng thôi, nếu vẽ ban đêm thì tôi phải chong đèn dầu, do đó mà đôi mắt của tôi xuống cấp kinh khủng. Sau đó tôi dành tiền mua một chiếc Honda Dame cũ để đi về Sài Gòn giao bản thảo cho tiện. Lúc ấy chị cả tôi đã đi xuất cảnh rồi nên tôi đưa mẹ về ở với tôi, các em tôi đã lớn, đi dạy học nên tự lo được…

(trích Hồi ký)

P/s: Cây bút kim nay vẫn còn sử dụng tốt, nhờ nó mà nuôi sống cả gia đình nơi vùng đất xa xôi…

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *