Ca từ của bài hát

Ca từ của bài hát

Nói về chuyện ca từ trong bài hát, quả thực có rất nhiều nhạc sĩ trước đây đã làm tôi bái phục, như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… chẳng hạn. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn nói đến một gương mặt quen thuộc khác, đó là Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, trong ca khúc “Anh không chết đâu em”, một ca khúc theo như tôi biết thì ngày nay bị cấm, cấm nhưng từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam hầu như ai cũng biết hát bài này, thậm chí là thuộc luôn bài này, bởi âm nhạc tự thân nó vượt ra khỏi hàng rào chính trị mà đi vào lòng người nhẹ nhàng bởi cái chất nhạc, giai điệu và ca từ, chứ không phải ép anh phải hát bài này mà cấm anh hát bài kia chẳng hạn. Nhạc hay thì tự nó thấm, mà nhạc dở thì tự nó đào thải.
Trong một rừng ca khúc hiện nay, xem ra nào rap nào yêu đương dật dờ nào nâng bi rẻ tiền thì tôi chợt ngẫm lại thấy ca khúc tôi nói ở trên có ca từ thật là trau chuốt và phong phú, tôi cũng đã từng viết khá nhiều ca khúc nhưng quả thực tôi tôn các vị trên là bậc thầy, ca khúc “Anh không chết đâu em” của NS Trần Thiện Thanh là một ví dụ, gọi là ca khúc tuyên truyền cho sự tuẫn tiết của một sĩ quan, một người lính VNCH thì cũng có phần đúng, nhưng ảnh hưởng tuyên truyền của nó không lớn lắm đâu, mà trong đại chúng xem ca khúc này như một khúc bi ca, một bài tâm ca hơn là một dòng nhạc đỏ. Ở đây tôi không nói đến yếu tố chính trị hay tuyên truyền, tôi chỉ bàn về phần ca từ mà nhạc sĩ đã dùng thật không chê vào đâu được, tôi chỉ dám nêu một vài câu mà tôi cho là hay quá thôi.
Một người lính tuẫn tiết mà ông dùng từ còn “đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh” thật chí lý, bởi người lính miền Nam ngày xưa, ai cũng có một chiếc áo che mưa gọi là poncho, trời mưa thì mang ra che, nhưng khi qua đời thì bạn hữu lấy poncho ra mà bọc xác lại, trong bài Kỷ vật cho em của NS Phạm Duy cũng đã viết “poncho buồn phủ kín đời anh”, còn người lính dù, cũng có khi lấy dù mà bọc xác lại theo nghĩa đen của từ trên, nhưng đời anh thì đã được cánh dù ôm kín rồi. Ông lại dùng câu “Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu. Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi đâu anh?” để ám chỉ Đại úy Nguyễn Văn Đương dùng súng để tự sát thì tôi cho rằng dùng từ quá hay, nếu là tôi thì tôi cũng bó tay, rất khó kiếm ra từ để nói lên điều này.
Về cuối bài hát, ông dùng câu “trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân” để nói về nỗi niềm tiếc nuối của người yêu đau xót khi biết ông hy sinh quả thực hát lên thấy thật là xao lòng, và đau lòng muốn khóc, không phải ai cũng có thể viết được như thế đâu nhé.
Tôi viết những dòng cảm nhận này nhân một buổi sáng thức dậy sớm, miệng nhẩm nhẩm ca từ của một bài hát quen thuộc với lòng thán phục về cách dùng từ của một người nhạc sĩ, chứ không hề muốn tuyên truyền cho ai hoặc mục đích chính trị nào. Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi, hận thù bi thương cũng đã lắng xuống, viết lại để nhớ rằng các thế hệ nhạc sĩ trước đây người ta dùng từ hay thế, để biết mà ngày nay chúng ta cố gắng trau chuốt làm sao cho tốt, chứ chẳng cần tuyên truyền hay cấm đoán thì bài hát này cũng đã đi vào lòng người từ lâu lắm rồi, cho dù ở phía bên này hay phía bên kia, họ vẫn hát một cách rất hồn nhiên…

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *