Chuyện đổi tiền

Chuyện đổi tiền

Bây giờ thì nói tới hai chữ đổi tiền người ta chắc chỉ nghĩ tới việc đổi ngoại tệ như dollars Mỹ, Úc… sang đồng VN.

Ngày này 36 năm trước 14-9-1985 là ngày đổi tiền lần 3 sau biến cố 1975

Lần 1 ngày 22-9-1975
Sau không đầy 5 tháng nhà nước tiến hành cuộc đổi tiền làm sốc toàn dân miền Nam. Trước đó có lệnh giới nghiêm và bắt đầu tiến hành đổi tiền trong vòng 12 tiếng từ 11 giờ sáng ngày 22-9-1975 đến 11 giờ đêm cùng ngày. Dĩ nhiên là dân không kịp phản ứng và khg biết phản ứng ra sao phải chấp hành một cách đau khổ 500 đông VNCH đổi lấy 1 đồng tiền “cách mạng”.
Mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000 đồng cũ ra thành 200 đồng mới để tiêu dùng thường nhật. Phần còn lại, Nhà nước giữ lại…
Ai cũng biết rồi…chỉ qua một đêm san bằng tất cả người giàu người nghèo gì cũng mất sạch, mỗi nhà chỉ có đúng 200 đồng để bắt đầu lại cuộc sống, một giai đoạn khốn cùng khó khăn của mọi gia đình, hàng hoá hiếm hoi nếu khg hiếm thì cũng khg có tiền mà mua, tất cả các loại nhu yếu phẩm “hàng thiết yếu hay thiết mạnh” đều bị quản lý và cung cấp theo “tiêu chuẩn”…
Ba năm sau khi cuộc sống tem phiếu của người dân mới bắt đầu ổn định lại thêm 1 lần nữa đổi tiền lần 2

Lần 2 ngày 3-5-1978
Lần nầy để thống nhất tiền lưu hành ở miền Bắc và miền Nam, Dân miền Nam bớt sốc rồi vì đâu còn gì để sốc. Theo qui định:
Dân thị thành được đổi tối đa:
– 100 đồng cho mỗi hộ 1 người;
– 200 đồng cho mỗi hộ 2 người;
– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người;
– Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.
Dân quê được phép đổi theo ngạch sau:
– 100 đồng cho mỗi hộ 2 người ;
– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30 đồng/người;
– Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.
Số tiền đang có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng. Khi cần dùng có lý do chính đáng thì tiền đó có thể rút ra. Một điều buộc nữa là trương chủ phải chứng minh số tiền này là tiền kiếm được bằng sức lao động chân chính.

Đổi tiền ngày 14.9.1985
Ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ đăng tại trang nhất: ‘Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương’và đã viết: ‘Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để’. Thế rồi, sáng 14.09.1985, hệ thống loa phóng thanh đường phố loan tin Đổi Tiền. Đó là sự khác biệt giữa biện pháp do cộng sản chủ trương và những sự Đổi Tiền ở những nước dân chủ mà chúng ta đã xem khi bắt đầu bài này. Trước cướp đó, Phan Văn Khải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Khải viết báo biện luận ‘Đổi tiền là vì lợi ích của nhân dân lao động’.
Việc thi hành toàn diện gồm các khoản tiền trong ngân hàng và tiền lưu hành trong dân chúng. Tiền lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ. Ngoài ra số tiền ký thác trong các trương mục ngân hàng cũng được định giá theo một công thức căn cứ vào thời gian ký thác như sau:
1. Lượng tiền gửi trước 1 tháng 3 năm 1978: 1 đồng cũ=1 đồng mới
2. Lượng tiền gửi trong thời khoản 2 tháng 3 năm 1978 đến 31 tháng 5 năm 1981: 2 đồng cũ=1 đồng mới
3. Lượng tiền gửi trong thời khoản 1 tháng 6 năm 1981 đến 31 tháng 12 năm 1984: 6 đồng cũ=1 đồng mới
4. Lượng tiền gửi trong thời khoản 1 tháng 1 năm 1985 đến 31 tháng 7 năm 1985: 9 đồng cũ= 1 đồng mới, và
5. Lượng tiền gửi trong thời khoản 1 tháng 8 năm 1985 đến 14 tháng 9 năm 1985 (ngày đổi tiền): 10 đồng cũ=1 đồng mới.
Số tiền đang lưu hành khi đổi cũng bị hạn chế theo những số lượng nhất định:
* Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới
* Hộ độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới
* Hộ kinh doanh công thương nghiệp thì được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới.
Nếu có tiền nhiều hơn mức ấn định thì người đổi vẫn phải nộp số tiền thặng dư và chỉ được nhận lại giấy biên nhận; khoản tiền quá lượng nhà nước sẽ thu cả và đợi xét lại mai sau. Theo một số trường hợp người ký thác sau 30 năm đến lãnh ra thì được biết không còn tiền nữa vì lạm phát ăn mòn, coi như mất gần hết.Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm thì cho tới nay (2015) chính phủ vẫn không có phương thức nào bù đắp cho những người gửi tiền khi tuân thủ theo chỉ định lúc bấy giờ.
Việc đổi tiền với tỷ lệ mới xóa hết những gì đã tích lũy bằng tiền mặt và đặt mọi người vào một ngạch bằng nhau. Trên lý thuyết thì rõ ý bình đẳng nhưng hậu quả kinh tế thì tai hại với nạn lạm phát lên hơn 700% năm 1986. Tình trạng lạm phát cao tiếp diễn sang đến thập niên 1990 sau đó. Với đồng tiền mất giá, dân chúng cố mua vàng tích trữ. Tiền trong ngân hàng khi rút ra thì giá trị thấp hơn ban đầu nên có những câu châm biếm: “bán trâu tậu gà”.
Nếu xét về mức lương tối thiểu quy định năm 1985 là 220 đồng/tháng thì ba năm sau, 1988, đã tăng lên thành 22.500/tháng đồng vì đồng tiền Việt Nam mất giá quá nhanh…
Sau mỗi đợt đổi tiền là sinh hoạt buôn bán của người dân đảo lộn, nhiều vấn đề phát sinh do thiếu tiền mệnh giá nhỏ để trao đổi giá cả tính theo tiền cũ tiền mới lung tung tạo ra đủ kiểu nhầm lẫn, Nhớ vụ đi tiệm mua đồ xách tờ 50 tiền mới chủ khg có tiền thối lại phải ký thác tờ giấy bạc hẹn ngày trở lại lấy tiền thối.
Giờ nhắc lại vẫn còn thấy kinh hoàng!
P/S: Tui chỉ nhắc lại những sự kiện trong quá khứ, không có mục đích chính trị.

(Bài viết của Kim Phượng Vũ)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *