Rất dễ xa nhau

Rất dễ xa nhau

Thường thì khi bạn bè cùng ngồi chuyện trò hàn huyên với nhau, kinh nghiệm cho thấy có hai điều đáng tránh, không nên nói tới vì dễ mích lòng và dễ xa nhau lắm. Hai điều đó, thứ nhất là chuyện chính trị, thứ hai là chuyện tôn giáo. Sự thật cho thấy việc này rất đúng, và không biết bao nhiêu người bạn đã bị bất hòa lẫn nhau bởi vì những chuyện tranh cãi về chính trị và về tôn giáo này. Hàn huyên đôi ba người đã là không nên, thì trên không gian mạng lại càng không nên.

Nhắc đến chuyện chính trị là điều mà chẳng ai thích nói thì tôi lại nhớ tới một câu chuyện nhỏ sau 75, gọi là bị nói thì không phải, nhưng gọi cho đúng thì chính một cán bộ rất muốn tôi nói chuyện chính trị mới lạ chớ, cho dù lúc đó tôi mới 19 tuổi. Chính xác là sau ngày 30/4/75 độ 1 tuần lễ, khi người dân đang hoang mang không biết cái chính thể mới ra sao đây thì có một anh cán bộ đến xin ở nhờ nhà tôi, bảo rằng anh đang tìm người thân lưu lạc di cư từ 1954. Ban ngày anh đi làm, chiều tối về và tắm rửa ngủ lại thôi, đôi ba lần cũng cùng ăn cơm tối với chúng tôi. Nhà mẹ tôi ở trong cư xá nên cũng chẳng rộng rãi gì cho cam, nhưng thời điểm ấy mà một ông cán bộ tới xin ở nhờ thì đố ai dám mà từ chối? Trông anh ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, người miền Bắc nên tôi biết ngay anh là một chính trị viên, mặc dù anh bảo rằng anh là một bác sĩ, nhưng tôi không hề thấy bất kỳ một thứ dụng cụ y khoa nào anh mang theo, sau vài ngày tôi hỏi thật thì anh bảo anh là cả hai, nghĩa là một chính ủy trong y tế gì gì đó mà tôi không rõ cũng như không quan tâm.

Sau những ngày đầu xa lạ và dè chừng, tôi nhận ra anh cũng khá là chân tình chứ không hống hách dọa dẫm như bao người khác, anh cũng biết tôi là sinh viên nên cũng rất thích nói chuyện với tôi, muốn tìm hiểu về giáo dục ở miền Nam như thế nào, nghe tôi kể ra những điều mình đã học thì anh chưng hửng. Anh hỏi tôi có biết Karl Marc không? Tôi bèn nói toạc ra là có chứ, tôi còn biết rõ về Lênin, về Engel và cả thuyết biện chứng của Hegel nữa, vì lớp 12 chúng tôi đã học Triết và tuy hồi đó tôi theo ban B (ban Khoa học Toán) nhưng điểm thi Tú tài môn Triết của tôi cũng thuộc loại khá trên 14 điểm, tức là trên 7 điểm bây giờ. Chúng tôi rất hợp nhau. Tôi đọc sách khá nhiều nên tranh luận với anh về chủ nghĩa cộng sản khá thoải mái, nhưng cứ mỗi lần anh hỏi tôi thì trước câu trả lời tôi thường hỏi, nếu anh cho phép thì tôi sẽ nói, bởi vì lúc đó ăn nói lạng quạng thì mất mạng như chơi. Anh bảo chú mày cứ việc nói đi với một thái độ cởi mở và chân thật nên tôi chẳng còn ngán ngại gì, tranh luận ngang ngửa với anh chứ tôi chẳng thua đâu. Do vậy mà tôi bảo chẳng nên nói chuyện chính trị nhưng lại được yêu cầu nói là vậy.

Thường thì cứ mỗi chiều, sau khi tắm rửa xong, anh hay cùng tôi trò chuyện, vừa là để tìm hiểu, vừa là để dò xét, nhưng tôi không ngại vì tôi thấy anh rất quý mến tôi, thấy anh cũng rất chân thật với tôi. Một hôm nọ, anh hỏi tôi có biết về Chủ nghĩa Cộng sản hoặc Thế giới đại đồng gì đó không? Tôi bảo rằng biết, vì khi học môn Công dân và Triết học lớp 12 thì chỉ nói sơ qua thôi, nhưng tôi tham khảo sách báo nhiều nên tôi hiểu khá rõ, thời đó mà tôi đã đọc cuốn Nhật ký Che Guevara rồi và bài thơ Quê hương của Giang Nam tôi cũng thuộc như cháo, do đó mà tôi mạnh dạn nói với anh là biết mà chẳng ngại gì. Sau một hồi tranh luận vui vẻ, anh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác rồi hỏi tôi một câu cốt lõi: Thế thì theo em (sau này anh đã đổi cách xưng hô với tôi), chủ nghĩa Cộng sản có thể thống trị thế giới và tất cả chúng ta có thể tiến tới thế giới đại đồng không? Tôi nhìn anh với một vẻ nghi ngại cố hữu và bảo, thôi, dẹp chuyện chính trị đi anh, nói ra dễ xa nhau lắm, nhưng anh bảo anh muốn nghe người nào đó nói thật với anh và anh rất muốn tôi nói với tính chất tranh luận chứ không gì khác. Tôi trả lời rằng anh xem đảng Cộng sản Mỹ thành lập trước đảng Cộng sản VN mình nhiều, nhưng nó không thống trị được nước Mỹ vì dân Mỹ giàu, việc gì họ phải theo đường lối đó. Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi cười, bảo rằng thì ra tôi nói cũng có lý.

Biết gia đình tôi là người công giáo, anh bèn xoay qua nói chuyện tôn giáo. Tôi lại từ chối nhưng anh lại muốn tôi nói mới chết chứ. Quả đúng anh là một chính trị viên rất giỏi, vì anh rành rẽ về giáo lý và Kinh Thánh không kém gì tôi. Có điều anh tranh luận khá là gay gắt về cuộc đời Chúa Jesus, cho rằng chúng tôi là những người lầm lạc và u mê, nghe theo những thứ giáo lý mơ hồ. Tôi uất lắm nhưng không dám mạnh miệng vì con ếch chết vì cái miệng, ăn nói loạng choạng chết như chơi. Biết là vậy, nhưng anh cũng vẫn cứ muốn nói chuyện tôn giáo với tôi. Hôm nọ anh ngồi nói với vẻ chê bai về cuộc đời Chúa Jesus, bảo rằng vì sao Ngài lại hy sinh một cách dại dột và lầm lạc như thế. Ngài là con Thiên Chúa thì tại sao lại không nói các Thiên thần thiên sứ cứu mình khỏi án tử, sống thêm một thời gian nữa để rao giảng có phải hay hơn là vác thập hình chịu chết hay không. Từ đó anh suy luận rằng việc trái khoáy như thế mà sao hàng tỉ người vẫn tin và nghe theo chứ? Tôi liền hỏi lại: Thế thì anh có tin là có Đức Chúa Jesus hay không? Anh trả lời ngay là Không. Tôi liền nói: Nếu anh không tin có Chúa thì sao anh lại đề cập đến công cuộc cứu độ của Người là đúng hay sai, khôn hay dại, chẳng lẽ anh nghiên cứu về một nhân vật không hiện hữu sao? Bấy giờ anh lộ rõ ra sự mâu thuẫn với chính mình và cười gượng rồi đi ngủ, bởi nếu anh nói tin thì không được vì một chính ủy như anh mà tin có Chúa hay sao? mà nếu anh nói không tin có Chúa thì sao đề cập đến công cuộc cứu độ của một kẻ vô hình chăng? Thế đấy, không muốn nói chuyện tôn giáo nhưng bị nói là vậy.

Tưởng rằng sau những lần mạnh miệng nói như thế, tôi có thể dễ dàng bị chụp mũ bất cứ lúc nào, nhưng không. Rõ ràng là anh cũng quý mến tôi nên hai người đối với nhau vẫn thân tình vui vẻ như trước. Chừng gần một tháng sau anh cám ơn mẹ tôi rồi cáo từ để về Bắc, anh bảo rằng đã tìm ra nhà người em trai của vợ anh rồi, nhưng người em trai ấy đã qua đời, chỉ còn vợ anh ta thôi nên anh ngại và cũng đã đến lúc trở về Bắc theo lệnh trên. Nghe đâu sau này anh suýt bị khai trừ Đảng vì một lỗi nhỏ nhưng không sao. Cách đây hai chục năm tôi nghe tin là anh đã về hưu và đang ở Hà Nội, chẳng biết bây giờ anh có còn sống không, vì anh hơn tôi khoảng 20 tuổi.

Vậy đó, kể lại chuyện này cũng là may cho tôi vì tôi đã gặp một người cán bộ tốt và chân thật, chứ nếu tôi gặp một kẻ quá khích khác thì e rằng ngày nay chẳng còn ngồi đây mà viết lách được. Từ đó mà rút ra cái bài học kinh nghiệm là nên né tránh hai cái điều nhạy cảm kia đi thì hơn, chứ may mắn không đến hai lần đâu. Cũng xin nhắc lại là cái bài viết này chỉ là chuyện đời chứ không hề chính chị chính em đâu nhé, vì như tôi đã nói từ lúc đầu, nói chuyện với nhau mà xen vào chính trị và tôn giáo thì dễ xa nhau lắm, mà tôi thì lại chẳng muốn xa bạn bè mình bao giờ.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *