Ba mươi tháng Tư

Ba mươi tháng Tư
Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi, vì sao sau ngày kết thúc chiến tranh 30/4/1975 lại có nhiều người bỏ nước ra đi đến thế? nghe đâu là khoảng 3 triệu người, và khoảng vài trăm nghìn người mất tích, bỏ xác trên biển. Lạ nhỉ? Họ bị tuyên truyền quá đáng về cộng sản ư? Nếu thế thì sau chừng ấy năm họ cũng nhận ra sự thật để quay về chứ sao cứ ở mãi nơi đất khách lại còn lo cho gia đình đoàn tụ qua bên ấy nữa là sao? Nếu vậy thì có phải là do tuyên truyền không? Hay đó là sự thật mà hàng triệu người dám đánh cược với chính sự thật bằng tính mạng của mình khi chấp nhận lênh đênh trên biển cả mịt mùng? Hay là họ ra đi vì kinh tế? Không đâu! Thời ấy hàng triệu người khốn khổ hơn và nếu muốn ra đi thì phải có tiền để thanh toán tiền bãi tiền tàu… Nếu vậy thì câu chuyện về cái cột điện biết đi là có thật ư? Tại sao ai cũng muốn đi trong lúc chiến tranh đã kết thúc? Những câu hỏi trên cứ dằn vặt năm này tháng khác mỗi lần đến 30/4 và không ít người ngậm ngùi công nhận một sự thật đau lòng: những người ở lại đa số là bị kẹt lại, không đi được thôi, chứ nếu đi được thì họ vẫn đi, cho dù đánh đổi cuộc sống mình trên biển cả.
Trong ca khúc Hận Ly Hương nói về cuộc di cư 1954 có đoạn nghe đến não nùng:
Ra đi, xa mái tranh thân yêu
Xa bến xưa cô liêu, với hình dáng quê nghèo…
Rõ ràng là mỗi lần ra đi, cái tình quê hương nó níu kéo ghê lắm. Cứng cỏi mấy đi nữa thì lòng cũng phải mềm lại khi nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ cái lũy tre đầu làng, nhớ con đường đi học, nhớ cái đại lộ thân quen… mà lắm khi ngồi trên tàu mà rơi nước mắt. Nhớ lắm, nhưng cũng đành cắt ruột ra mà đi. Vậy điều gì khiến cho người ta quyết ra đi như vậy? Tôi theo dõi báo chí khá nhiều, và mãi đến nay vẫn chưa thấy ai ngày xưa vượt biển ra đi mà ngày nay hối hận vì chuyện đó cả. Đừng nói gì, ngày nay cũng thế, hầu như ai có điều kiện để đi được cũng đều hăm hở ra đi, bỏ ra nước ngoài sống, ngay chính các em thủ khoa Olympia mà hầu hết đều ở lại chứ chẳng có ai muốn về. Vậy thì chẳng lẽ VN chúng ta không phải là nơi đáng sống hay sao? Nói đến đây lại chuyển qua một bình diện khác về chính trị, về tâm lý nên tôi không dám đào sâu, chỉ biết rằng mỗi khi ngậm ngùi nhớ lại, những câu hỏi ấy cứ làm người ta băn khoăn, và dù có băn khoăn đi nữa thì cũng phải chấp nhận cuộc sống này, vì con người ta không có quyền chọn nơi mình sinh ra được.
Tình quê hương ai mà không có? Những tháng ngày ở bên ấy, mỗi lần nghe câu hát:
Tôi muốn thành cánh chim trời
Bay về quê cũ thăm quê hương tôi
Nơi ấy tôi có bạn bè
Có người yêu dấu, có trời Việt Nam…
là tôi lại rưng rưng bởi ai mà chẳng nhớ quê hương? Tôi cũng đâu là ngoại lệ, nhưng đó là tùy thuộc vào hoàn cảnh, đi hay ở là quyền mình, nên mình tự quyết định, chứ ngày xưa bước chân lên tàu thì không có đường lùi, chấp nhận đánh đố cuộc đời với sóng gió nghìn trùng, với cả cái chết, và phải có một điều gì đấy thúc bách lắm mới dám quyết định như vậy.
Cho nên những ngày cuối tháng Tư này, cứ nhớ đến những người ra đi, tôi lại đặt câu hỏi cho chính mình, và vẫn chưa trả lời cho đầy đủ được, chỉ mong sao đất nước ta có ngày đổi mới hơn, hạnh phúc hơn, để những người khi xưa ra đi, nay lại quyết trở về, thì lúc ấy mới có câu trả lời thật sự cho quê hương mình.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *