Nhạc Phạm Duy mà đi xin ư?

Nhạc Phạm Duy mà đi xin ư?
Đối với ai thì không bàn tới, nhưng đối với một người mang tầm cỡ “thời đại” như Nhạc sĩ Phạm Duy mà nói đến hai tiếng “xin – cho” khiến chúng tôi cảm thấy như đây là một sự xúc phạm khá là nặng nề đối với một người như ông.
Đêm nay không ngủ được, vô tình lướt qua những trang báo cũ và đọc lại những mẩu tin về văn hóa cách đây cũng không lâu lắm, thì được biết rằng: Sau ngày trở về của Nhạc sĩ Phạm Duy, các sáng tác của ông đang được các cấp thẩm quyền “cho phép” phổ biến bài này bài nọ do Cty văn hóa Phương Nam đứng ra “xin” cho ông. Hôm nay cấp phép được mươi bài, vài tuần sau lại được thêm dăm ba bài nữa… Xem tới đây tôi cảm thấy hết sức hụt hẫng và nhói đau, đau như chính mình là người trong cuộc vậy, cho dù tôi chỉ biết “đau” thay cho ông, đau thay cho số phận một con người.

Không cần phải lý luận dông dài, chúng ta cũng biết rằng, Phạm Duy là con người của lịch sử, ít ra là ở trong mảng văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Những quan niệm của ông về thời cuộc, đứng bên nào, chống lại bên nào, chúng tôi xin phép không nhắc tới, vì đây là một phạm trù hết sức bao la dành cho lịch sử phán xét chứ không phải chúng ta, chúng tôi chỉ muốn nói đến lãnh vực âm nhạc. Phạm Duy mà phải đi xin phổ biến nhạc cho mình à? Nghe qua thấy nhói đau là vậy. Ai là người dám cầm bút phê cho một cây đại thụ âm nhạc VN như Phạm Duy? Phải chăng là một quan chức làm công tác văn hóa nào đó? Anh ta chắc cũng phải biết rõ rằng âm nhạc VN có 2 cây đại thụ là Văn Cao và Phạm Duy, hai người này cũng là bạn rất thân với nhau, mà Văn Cao thì chúng ta đã biết, nói như Phùng Quán trong tập truyện “Ba phút sự thật” khi một ông khách hỏi Văn Cao là ai thì Phùng Quán trả lời rằng: “Ông ấy là một người đặt ra một bài hát mà khi bài đó hát lên thì tất cả mọi người đều phải đứng nghiêm, kể cả Cụ Hồ” (trích nguyên văn). Cây đại thụ thứ nhất là vậy, thế mà ngày nay, cây đại thụ thứ hai ấy phải đi xin một anh chàng quan chức nào đấy để được phép phổ biến nhạc của mình sao?
Văn hóa là những gì tốt đẹp nhất còn giữ lại được sau khi con người ta qua đời. Theo tôi, Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ mà ông còn là một nhà văn hóa nữa. Mấy ai trong chúng ta sống đến tuổi này mà chưa nghe nhạc của ông? Khi cất lên câu hát “Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi… Ruộng khô, có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người cày thay trâu cày…” thì hầu như ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận được cái hồn quê thấm đẫm theo từng lời ca, những lời ca và giai điệu có sức mạnh không thể nào chối cãi được. Đó là chưa nói đến những bài ca hết sức trong sáng của ông, chẳng hiểu vì sao đến giờ mà chưa “cho phép” hát: “Hôm nay em đi trời không có nắng, nhưng sao đôi má em lại bừng bừng. Nơi em đi qua lửa không bốc cháy, nhưng sao đôi má em như người say?…” Vì sao lại như vậy nhỉ? trong lúc một rừng nhạc chợ xuất hiện tràn lan làm xám đi tư duy của tuổi trẻ về cảm thụ âm nhạc thì tại sao những bài hát trong sáng này lại chưa được hát? Vì sao? Vì tác giả là Phạm Duy à? Phạm Duy có lỗi gì về những bài hát ấy? những bài hát ấy là của mọi người, theo tôi nó đáng được đứng vào những nơi trang trọng nhất trong lòng người. Chưa nói đến những bài hát chỉ mới cất lên đôi ba câu đã thấy cái hồn Việt trong đó: “Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng. Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương…” chỉ cần bao nhiêu đó thôi thì người nghe đã cảm thấy cái mênh mông bao la dịu dàng của Mẹ Việt Nam.
Mấy ai sáng tác được những bài ca sâu lắng như vậy? Thế mà phải đi xin phép ư? Thật là buồn cười… Chính ngay sự trở về của PD đã thấy ông dũng cảm và yêu quê hương như thế nào, cho dù trước đây ông có gì gì đi nữa nhưng một cây đại thụ như ông dám tuyên bố là tôi sẽ mang cả sự nghiệp tôi về với quê mẹ, đó không phải là điều đáng kính sao? Sự trở về của ông xét về mặt chính trị còn có giá trị bằng hàng vạn người khác. Phạm Duy mà còn quay về với quê mẹ Việt Nam, huống chi là ông này bà kia… Thế mà về đây ông hoặc là những người đại diện cho ông lại phải “xin phép” được hát những lời nhạc yêu thương sâu đậm như thế của mình sao? Nhạc của ai thì không nói, nhưng dòng nhạc của Phạm Duy là cả một biển trời văn hóa. Tại sao chúng ta không nói thẳng ra là trong số hàng nghìn bài của ông, không nên hát bài này bài này vì lời ca còn không thích hợp với thời đại (chống đối chẳng hạn) còn bao nhiêu bài kia thì cứ việc hát, chứ đừng có hôm nay duyệt được mấy bài, hôm kia duyệt được mấy bài, nghe mà xót quá. Văn hóa là những gì cảm nhận trong tư duy con người. Cấm chỉ là hình thức bên ngoài, chứ làm sao cấm trong đầu óc người ta được.
Giỏi lắm thì cây đại thụ âm nhạc Phạm Duy chỉ còn sống thêm được mươi, mười lăm năm nữa là cùng. Hãy để tuổi già của ông thanh thản với những đứa con tinh thần của mình, những bài ca bất hủ, chứ đừng lập lại tấn tuồng “xin – cho” mà làm đau một tâm hồn trước khi về cõi vĩnh hằng. Đó không phải chỉ là mong muốn của riêng tôi mà cũng là mơ ước của rất rất nhiều người đam mê nhạc của ông, một dòng nhạc sâu đậm tình người không dễ gì có được trong thời đại chúng ta hôm nay.
(Post lại bài viết lúc Nhạc sĩ Phạm Duy còn sống để nhớ đến ngày sinh nhật lần thứ 99 của Cụ – Tranh của Họa sĩ Trần Thế Vĩnh)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *